Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng

Sau khi đã chọn đúng ngành, việc đặt nguyện vọng như thế nào để có thể theo học được ngành mà mình yêu thích lại là vấn đề khiến không ít thí sinh rối bời.
Thủ khoa Nguyễn Thị Thanh Bình, ĐH Kinh tế TP.HCM, đã chỉ ra những bước để thí sinh có thể đặt nguyện vọng một cách thông minh.
Ở bước đầu tiên, Thanh Bình cho rằng cần phải xác định rõ ngành và trường bạn yêu thích là gì? Ở bước này, thí sinh hãy làm một bảng thống kê điểm, bằng cách lên mạng tìm kiếm trong 3 năm gần nhất điểm chuẩn của ngành và trường bạn yêu thích là bao nhiêu; sau đó tính trung bình điểm của 3 năm, sẽ ra số điểm tối thiểu bạn cần phải đạt để vào được trường đó.
Theo Thanh Bình, từ việc nghiên cứu ở bước đầu tiên đó sẽ là cơ sở để chọn số lượng trường tương ứng với các nguyện vọng. Và Thanh Bình khuyên nên chọn tối thiểu 5 trường và xem thử mức điểm của mình dao động từ 28 - 29 hay là 26 - 27…; từ đó chọn các trường mà bạn muốn vào sao cho phù hợp.
"Chẳng hạn như ngày trước mình rất thích học marketing của ĐH Kinh tế TP.HCM, nên sẽ tìm hiểu thử 3 năm gần đó số điểm của ngành này là bao nhiêu. Sau đó, nguyện vọng đầu tiên mình đặt vào ĐH Kinh tế TP.HCM, các nguyện vọng tiếp theo là Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Kinh tế - Luật…", Bình kể.
Bước thứ 3, sau khi đã xác định rõ mục tiêu là mình muốn vào trường và ngành này, số điểm trung bình cần phải đạt được, cũng như đã tìm được 5 ngành và 5 trường yêu thích nhất rồi thì hãy sắp xếp thứ tự nguyện vọng.
"Bước xếp thứ tự này rất quan trọng vì nó quyết định việc bạn có vào được trường và ngành bạn yêu thích hay không", Thanh Bình khẳng định và khuyên: "Nếu bạn đã xác định được trường, ngành mà bản thân cực kỳ yêu thích và bằng mọi giá phải vào, thì hãy cứ xếp ở nguyện vọng 1. Mặc dù điểm trung bình khi làm các bài thi thử của bạn có thể thấp hơn một xíu, nhưng theo trải nghiệm của mình, nếu đã quá yêu thích ngành đó thì vẫn hãy mạnh dạn xếp ở vị trí đầu tiên. Sau đó là những trường và ngành trong khung điểm an toàn của bạn. Như thế sẽ an tâm là dù thế nào mình cũng sẽ đậu đại học".
Thanh Bình kể về câu chuyện một người bạn của mình đã thay đổi nguyện vọng ở phút cuối rồi sau đó hối hận, để thí sinh có thêm kinh nghiệm. Bình nói: "Trước khi trường công bố kết quả cuối cùng thì bạn ấy lại đổi thứ tự nguyện vọng. Bạn quyết định thay đổi vì nghe đồn điểm của trường năm đó sẽ lấy cao hơn điểm mà bạn hiện tại đang có. Vì sợ không đậu nên bạn đã đổi nguyện vọng. Nhưng cuối cùng, sau khi công bố kết quả thì điểm bạn ấy hoàn toàn dư sức đậu được vào ngành và trường bạn ấy muốn học. Khi chuyện đó xảy ra thì thật sự bạn rất tiếc, nhưng không thay đổi được nữa".
Chính vì thế, Bình khuyên: "Nếu bạn đã có được ngành và trường mình yêu thích thì bằng mọi giá nên cho nó một cơ hội để đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách xếp nguyện vọng của mình".
Bình kể trong năm lớp 12, điểm thi thử của cô nàng chỉ khoảng tầm 26,5. Trước khi đăng ký nguyện vọng, Bình hỏi ý kiến thầy của mình. Khi Bình đưa ra dự định đặt nguyện vọng 1 ở ĐH Kinh tế TP.HCM, thầy đã cho rằng Bình không thể đậu vì điểm đầu vào của trường qua các năm trung bình khoảng 27,5, và khuyên Bình hãy chọn những trường lấy điểm dao động từ 25 - 26,5. Nhưng do lúc đó bản thân quá yêu thích nên bằng mọi giá Bình vẫn để ngành marketing của ĐH Kinh tế TP.HCM ở vị trí đầu tiên trong danh sách các nguyện vọng.
"Và cuối cùng, một điều vi diệu đã xảy ra với mình. Mình không những dư sức đậu vào ngành đó mà còn vinh dự trở thành thủ khoa của trường. Chính vì thế, các bạn hãy dũng cảm thực hiện những điều mà mình mong muốn", Bình nhắn gửi.