Nhảy đến nội dung
 

Những công trường tất bật xuyên lễ

Trong 2 năm qua, việc thi công 3 ca 4 kíp, xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ đã trở nên quá quen thuộc trên các công trường dự án hạ tầng giao thông. Trải khắp cả nước từ Bắc vào Nam, hàng ngàn công nhân, kỹ sư miệt mài không ngừng nghỉ để hình thành nên những công trình trọng điểm đưa đất nước bước vào vận hội mới.

Cùng cả nước đón lễ trên công trường

Những ngày qua, khi cả dân tộc nô nức hướng về đại lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất với những sự kiện chưa từng có thì trên công trường các dự án giao thông trải dọc chiều dài đất nước, tiếng máy móc vẫn ì ì thay cho tiếng nhạc hoan ca, những lá cờ Tổ quốc phấp phới trên những lán trại. Hiện cả nước đang đồng loạt thi công hơn 1.700 km đường bộ cao tốc trên khắp cả 3 miền Bắc, Trung và Nam.

Dọc công trường dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 100 km, dưới cái nắng như đổ lửa của mùa khô miền Nam, 150 mũi thi công với khoảng 1.200 công nhân, cán bộ kỹ thuật, 600 đầu thiết bị vẫn đang hối hả tay đào, tay xúc… Họ chẳng biết hôm qua (2.5) đã là ngày nghỉ lễ thứ ba, bởi đại lễ của họ cũng như bao ngày chạy đua tiến độ thời gian qua, từ sáng tới khuya bám công trường.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), cho biết thời tiết tại khu vực tổ chức thi công dự án đang là cao điểm mùa nắng nóng, anh em công nhân lúc nào cũng trong tình trạng nhễ nhại mồ hôi. Tuy nhiên, thời tiết nắng lại là lúc thi công đường thuận lợi nên tất cả các đơn vị đều quyết tâm tranh thủ, vượt nắng nóng để đẩy nhanh tiến độ công trình. Giai đoạn trước lễ, ngày 10.3, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã phát động phong trào thi đua "50 ngày đêm" nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. 

Đến nay, dự án đã đạt được nhiều bước chuyển quan trọng như nâng tổng tiến độ thi công toàn dự án lên 66%, tăng 6% so với ngày 10.3; phần đường đã hoàn thành trên 90% phạm vi xử lý nền CDM; tổng hoàn thành gia tải đạt khoảng 75 km/83,37 km (khoảng 90%); phần cầu trên tuyến chính đã hoàn thành thêm 18 cầu (67/95 cầu), các cầu lớn không có cầu tạm đã hoàn thành, các cầu còn lại trên tuyến chính đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới và đang triển khai lao dầm… Hiện nay, anh em công nhân đang tiếp tục công tác dỡ tải, thi công đắp cát nền đường, thi công các lớp đá dăm mặt đường, bê tông nhựa, thi công cống tròn, cống hộp, thi công gác dầm, bản mặt cầu… Mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án cuối năm nay.

"Vừa kết thúc đợt cao điểm thi đua, ghi nhận thành tích tốt nên anh em vẫn đang tràn đầy khí thế đẩy nhanh tiến độ, làm xuyên lễ. Thật ra xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ, làm 3 ca 4 kíp đã không còn là điều quá xa lạ, song, năm nay có đại lễ, khắp cả nước tưng bừng đi đón lễ, chơi lễ, chúng tôi cũng không tránh khỏi tâm trạng nôn nao, muốn được tham gia cùng dòng người đi xem diễu binh, diễu hành, hòa chung vào bầu không khí hào hùng của cả dân tộc. Thế nhưng, nhiệm vụ phải hoàn thành. Những công nhân, kỹ sư đang bám trụ để đưa công trình về đích đúng kế hoạch cũng là hành động thiết thực để chào mừng 50 năm ngày đất nước thống nhất. Xưa cha anh còn phải đổ máu, giờ cùng lắm mình chỉ đổ mồ hôi. Nghĩ vậy nên anh em trên công trường rất phấn khởi, không ai bị nao núng tinh thần", ông Trần Văn Thi chia sẻ.

Cùng chung cảm xúc, khoảng 100 cán bộ, công nhân trên công trường xây dựng nút giao An Phú (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng háo hức hòa chung không khí tự hào của dân tộc, chỉ khác là họ thể hiện lòng tri ân, tình yêu nước trên công trường. Theo ông Phạm Trường Giang (Phó trưởng ban điều hành dự án đường bộ 2 thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM), để phục vụ các chương trình kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, TP.HCM đã thay đổi lưu thông nhiều tuyến đường, trong đó cấm xe tải di chuyển vào nhiều ngày, nhiều khung giờ, khiến hoạt động vận chuyển cát đá, vật tư bị gián đoạn. 

Tuy nhiên, trên công trường, các công nhân vẫn duy trì làm tại chỗ. Sau khi nỗ lực đưa nhánh hầm chui HC1 - 01 thông xe kỹ thuật đúng dịp lễ 30.4, anh em công nhân đang tiếp tục hoàn thiện trạm bơm để chính thức khai thác hầm kín này trong vài ngày tới. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng của những hạng mục đã thi công và lắp đặt dầm khuôn đoạn hầm hở HC2 đang thi công dang dở… Tổng dự án đã thi công đạt 67 - 68%, phấn đấu từ nay đến cuối năm hoàn thiện cơ bản một số hạng mục chính như cầu vượt, hầm HC2.

"Trục đường Mai Chí Thọ là một trong những tuyến đường chính đưa người dân từ các nơi về TP.HCM dự đại lễ. Thấy dòng người đông đúc ngày ngày nô nức đi qua, anh em không nói ra nhưng cũng có thể hiểu mọi người đều muốn được tham gia, hòa vào không khí đó. Tuy vậy, kết quả công việc vẫn là mục tiêu cao nhất. Kế hoạch làm xuyên lễ đã được xác định từ trước nên anh em cũng động viên lẫn nhau. Sáng sớm 30.4, khi đài truyền hình phát sóng trực tiếp buổi lễ kỷ niệm, anh em trong lán cũng có mở tivi để theo dõi, tận hưởng một chút bầu không khí, sau đó coi như đây là động lực để tiếp tục tăng tốc trên công trường, quyết tâm đưa dự án về đích đúng kế hoạch", ông Phạm Trường Giang thông tin.

Trái ngọt từ nỗ lực không ngơi nghỉ

Thi công xuyên các ngày nghỉ, xuyên lễ tết, vượt nắng thắng mưa là tinh thần của ngành xây dựng, giao thông được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khởi xướng khi chính thức bước vào giai đoạn cao điểm quyết tâm nối liền dải cao tốc Bắc - Nam. Tại lễ khởi công, khánh thành đồng loạt hơn

80 dự án trọng điểm chào mừng 50 năm đất nước thống nhất (diễn ra hôm 19.4), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ khi nhận nhiệm vụ hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này, Chính phủ rất lo lắng. Bởi sau 20 năm khởi công xây dựng hệ thống đường cao tốc, đến năm 2020, VN chưa đạt 1.000 km đường cao tốc. Trong 5 năm đề ra mục tiêu thêm 2.000 km, đồng nghĩa phải hoàn thành số lượng gấp 4 lần của 20 năm trước. Đây là nhiệm vụ vô cùng thách thức. Song người đứng đầu Chính phủ tự tin khẳng định đến giờ này, chúng ta có thể tin tưởng và khẳng định chắc chắn sẽ hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu. Nếu tiến độ ở các phần việc được đẩy mạnh thì đúng như kỳ vọng của Thủ tướng, ngay trong năm, VN có thể đạt tới 3.300 km đường bộ cao tốc hoàn thành, vượt 10% so với kế hoạch.

Cứ nhìn vào cách triển khai 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông vừa thông xe 30.4 vừa qua thì có thể thấy niềm tin của Thủ tướng là hoàn toàn có cơ sở. Ngay sau chuyến kiểm tra của 7 đoàn công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm do các Phó thủ tướng làm trưởng đoàn, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã thường xuyên đến hiện trường, làm việc, đề nghị các đơn vị, chủ đầu tư/ban quản lý dự án, nhà thầu… xác định rõ các tồn tại để có giải pháp hiệu quả tháo gỡ trên nguyên tắc: "Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm". Nút thắt của từng dự án lần lượt được tháo gỡ nhanh chóng; nhịp độ công trường "nóng hầm hập" từng ngày khi mỗi lần kiểm tra thực địa, các cấp lãnh đạo Chính phủ lại yêu cầu rút ngắn hơn nữa thời gian thi công, nhanh chóng đưa công trình vào phục vụ người dân. Kết quả, cả 4 đoạn cao tốc đều về đích trước kế hoạch từ 3 - 6 tháng, kịp cùng nhân dân cả nước đón đại lễ.

Đó cũng chính là thành quả từ công sức của hàng ngàn công nhân, kỹ sư, nhà thầu, các chủ đầu tư… ngày đêm đeo bám công trình, nỗ lực thi công không ngơi nghỉ.

Không chỉ các dự án cao tốc Bắc - Nam, tinh thần "thi công 3 ca 4 kíp", "chỉ bàn làm không bàn lùi" đã được lan tỏa đến từng ban, ngành, cấp cán bộ, kỹ sư và người lao động nơi công trường tại tất cả các dự án lớn nhỏ trên cả nước. Điển hình, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư được khánh thành, đưa vào khai thác sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch. Thi công trong điều kiện hạn chế về mặt bằng và gặp nhiều thách thức trong quá trình vận chuyển vật tư, máy móc vào công trường do dùng chung mạng lưới đường đô thị, phía chủ đầu tư cùng khoảng 3.500 công nhân, kỹ sư đã phải nỗ lực ngày đêm, linh hoạt tìm mọi phương án, thay đổi liên tục đường găng dự án. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng phải thừa nhận để hoàn thành nhà ga với công suất thiết kế 20 triệu lượt hành khách/năm, phục vụ 7.000 hành khách/giờ mới khởi công từ tháng 8.2022, yêu cầu về đích đúng dịp lễ 30.4 tưởng chừng rất khó. Tuy vậy, sau hơn 20 tháng triển khai thi công quyết liệt, "vượt nắng, thắng mưa", "thi công xuyên lễ, xuyên tết", với tinh thần cao nhất của các chủ thể có liên quan, nhà ga T3 đã hoàn thành vượt tiến độ, mang đến cho người dân một công trình mới khang trang, hiện đại, áp dụng công nghệ làm thủ tục lần đầu tiên tại VN.

Tương tự, những đợt thi đua cao điểm nối tiếp nhau được triển khai liên tục đã đưa hơn 8 km đầu tiên của đường Vành đai 3 nối TP.HCM - Đồng Nai (trong đó có cầu Nhơn Trạch - cây cầu lớn nhất dự án) vượt tiến độ 4 tháng. Các đơn vị cũng đang đặt mục tiêu giữ vững phong độ, nỗ lực hoàn thành đoạn trên cao Vành đai 3 với gần 22 km, kết nối với đường Mỹ Phước - Tân Vạn vào cuối năm nay, vượt tiến độ 4 tháng. Đối với những đoạn còn lại sẽ phấn đấu hoàn thành từ nay tới 30.6.2026.

Bệ phóng đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới

Nhìn lại những thành quả đã đạt được, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết: Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu đã vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm, chủ động xây dựng phương án tổ chức thi công khoa học, phù hợp với từng điều kiện địa hình, thời tiết, tiến độ bàn giao mặt bằng, cung ứng vật liệu. Đồng thời, điều chỉnh giải pháp thi công các hạng mục quan trọng (xử lý nền đất yếu, các vị trí đào sâu, đắp cao…) để tiến độ được rút ngắn, chất lượng bảo đảm theo đúng thiết kế.

Kết quả này không chỉ góp phần tô thắm thành tựu của ngành xây dựng nhân dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải, rút ngắn khoảng cách, thời gian kết nối giữa các vùng, miền, mở ra không gian, dư địa phát triển mới cho các địa phương, mà còn là sự khẳng định về sự đồng tâm, đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương cụ thể hóa mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông, đưa đất nước vươn mình.

Để hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc trên cả nước, trong năm nay, ngành xây dựng sẽ phải hoàn thành khoảng 1.188 km đường bộ cao tốc gồm 28 dự án (17 dự án (889 km) do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản, 11 dự án (299 km) do địa phương làm cơ quan chủ quản). Cùng với đó, trên khắp cả nước có hơn 30 công trình vừa khởi công đều là những dự án quy mô lớn, có vai trò thay đổi diện mạo đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, như: nút giao khác mức giữa đường vành đai 3, 5 với Đại lộ Thăng Long, TP.Hà Nội; dự án thành phần 1, 2 thuộc tuyến vành đai 2 TP.HCM; Nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới; nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Cà Mau; Khu đô thị lấn biển Cần Giờ…

"Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "trong những lúc cả nước khó khăn phải cùng đồng lòng vì mục tiêu chung, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc; lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ", ngành xây dựng xác định phải quyết tâm hoàn thành đồng bộ và đúng hạn hoặc hơn nữa là vượt tiến độ các dự án. Các dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển, tăng trưởng kinh tế với tốc độ

2 con số theo định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, tạo tiền đề vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh.