Những con sông bị đầu độc

Ô NHIỄM KÉO DÀI NHIỀU NĂM
Dù tỉnh Quảng Nam đã có đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh, Quảng Nam), nhưng nạn khai thác vàng trái phép tại khu vực này vẫn diễn ra rầm rộ, gây nhiều hệ lụy. Tình trạng khai thác vàng rồi xả hóa chất trực tiếp ra sông Tam Lãnh, chảy về sông Quế Phương và sông Tiên, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở xã Tam Lãnh (H.Phú Ninh) cũng như các xã Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Thọ, Tiên Châu, TT.Tiên Kỳ (H.Tiên Phước).
Ông Trần Thanh Nhật (53 tuổi, ở xã Tiên Lập) cho biết: "Quá trình khai thác vàng, họ đã xả chất thải, hóa chất trực tiếp ra môi trường khiến con sông Quế Phương chảy qua địa bàn bị ô nhiễm nặng nề. Giờ ra sông Quế Phương để tìm một con cá là rất khó; điều đáng nói có trường hợp trâu bò cũng chết do uống nước từ con sông này. Không chỉ sông Quế Phương mà nhiều sông khác như sông Tam Lãnh, sông Tiên cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng".
Theo nhiều người dân địa phương, sông Tiên là nguồn nước duy nhất cung cấp cho Nhà máy nước Tiên Kỳ với công suất 15.000 m³/ngày đêm để cấp nước cho hàng ngàn hộ dân ở TT.Tiên Kỳ và 3 xã. Việc sông Tiên bị ô nhiễm khiến người dân lo lắng. Đặc biệt, do chất độc trực tiếp thải ra môi trường khiến nguồn nước tại các con sông luôn trong tình trạng có màu vàng đục.
Bà Nguyễn Thị Lan (63 tuổi, ở xã Tiên Lập) khẳng định sông Quế Phương chảy qua địa bàn bị ô nhiễm kéo dài nhiều năm là do nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh. "Dù đóng cửa mỏ vàng hay không thì chúng tôi thấy nạn khai thác ở mỏ vàng Bồng Miêu đều rầm rộ. Năm nào cũng thấy báo chí phản ánh về vấn nạn này nhưng việc xử lý thì không dứt điểm. Muốn sông Quế Phương hay sông Tiên, sông Tam Lãnh hết ô nhiễm thì phải ngăn chặn được nạn khai thác vàng trái phép. Các con sông luôn trong tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân", bà Lan quả quyết.
XỬ LÝ NGHIÊM HÀNH VI XẢ THẢI GÂY Ô NHIỄM
Bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã Tiên Lập, thừa nhận tình trạng sông Quế Phương ô nhiễm đã kéo dài từ lâu. Nguyên nhân chính là do tình trạng khai thác vàng trái phép ở Tam Lãnh rồi xả thải trực tiếp ra môi trường. "Không chỉ kiến nghị tình trạng này lên UBND H.Tiên Phước mà vấn đề ô nhiễm này đã được người dân lẫn chính quyền kiến nghị lên lãnh đạo cấp tỉnh để sớm có hướng xử lý dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép ở Tam Lãnh, nhằm trả lại môi trường trong sạch cho sông Quế Phương cũng như một số con sông khác trên địa bàn huyện", bà Cẩm nói.
UBND H.Tiên Phước đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam. Theo UBND H.Tiên Phước, hiện nguồn nước sông Quế Phương, sông Tiên đoạn chảy qua địa bàn các xã trên địa bàn huyện bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn ô nhiễm có liên quan trực tiếp đến hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác vàng tại khu vực Bồng Miêu (khu vực thượng nguồn của sông Quế Phương). Các hoạt động này bao gồm cả khai thác trái phép và xả thải không đúng quy trình, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước.
UBND H.Tiên Phước cho rằng việc sông Quế Phương và sông Tiên bị ô nhiễm do hoạt động khai thác vàng trái phép gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhiều người dân. UBND H.Tiên Phước đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành liên quan và H.Phú Ninh kiểm tra, xử lý dứt điểm hoạt động khai thác, chế biến vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh.
Mới đây, ông Phan Thái Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, đã có văn bản yêu cầu UBND H.Phú Ninh, Sở NN-MT cùng các ngành liên quan kiểm tra, xử lý dứt điểm hoạt động khoáng sản khu vực Bồng Miêu; quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi xả thải gây ô nhiễm sông Bồng Miêu (đầu nguồn sông Quế Phương và sông Tiên qua H.Tiên Phước). Ngoài ra, đề nghị công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an địa phương phối hợp cơ quan chức năng thuộc tỉnh và UBND H.Phú Ninh kiểm tra, xử lý dứt điểm hoạt động khoáng sản trái phép tại khu vực Bồng Miêu và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND H.Tiên Phước phối hợp với UBND H.Phú Ninh trong quá trình xử lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vàng trái phép trên địa bàn tại khu vực giáp ranh với xã Tam Lãnh, phải theo dõi, kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.