Những câu hỏi về vaccine ngừa mụn trứng cá - Báo VnExpress

Vaccine trị mụn trứng cá do Sanofi nghiên cứu, phát triển, có thể trở thành vaccine trị mụn đầu tiên được cấp phép nếu vượt qua thử nghiệm lâm sàng. Hiện, vaccine đang thử nghiệm trên người giai đoạn một để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả.
Vaccine đang được thử nghiệm như thế nào?
Hiện nay, các phương pháp điều trị mụn trứng cá gồm retinoid, kháng sinh và thuốc tránh thai nội tiết tố. Những cách điều trị này không có tác dụng chữa khỏi mụn, phải sử dụng kéo dài và thường đi kèm tác dụng phụ khó chịu.
Theo Sanofi, vaccine trị mụn trứng cá có thể cung cấp một giải pháp điều trị thay thế cho các phương pháp hiện có, "giúp định hình lại tình trạng điều trị mụn trứng cá". Các thử nghiệm về vaccine vẫn trong giai đoạn đầu và chưa có dữ liệu được công bố để xác nhận mũi tiêm có hiệu quả hay không.
Thử nghiệm lâm sàng được tiến hành từ tháng 4/2024, dự kiến kéo dài đến năm 2027. Khoảng 400 người lớn 18-45 tuổi, bị mụn trứng cá ở mặt mức độ trung bình đến nặng, chia làm hai nhóm. Một nhóm được tiêm vaccine ba lần trong suốt quá trình thử nghiệm. Nhóm còn lại được tiêm vaccine giả để so sánh.
Vaccine hoạt động ra sao?
Công ty không tiết lộ về cách thức hoạt động của vaccine mới, song biết mũi tiêm được bào chế theo công nghệ mRNA. Về nguyên tắc chung, vaccine sẽ sử dụng một phân tử di truyền gọi là RNA thông tin hướng dẫn hệ miễn dịch tấn công các mục tiêu cụ thể.
Vì sao cần có vaccine ngừa mụn trứng cá?
Có nhiều phương pháp kiểm soát triệu chứng mụn trứng cá, nhắm vào các tác nhân khác nhau, ví dụ độ nhạy cảm của tuyến dầu trên da, hormone, vi khuẩn gây viêm. Ví dụ kháng sinh kiểm soát quần thể vi khuẩn trên da, retinoid giúp tăng sản xuất tế bào da và giúp thông thoáng lỗ chân lông. Thuốc kháng sinh và retinoid có thể được bôi trực tiếp lên da dưới dạng kem dưỡng hoặc kem dưỡng ẩm...
Tuy nhiên, các phương pháp điều trị này chỉ giúp kiểm soát mụn, không thể điều trị nguyên nhân tiềm ẩn gây mụn. Chúng có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn, ví dụ dùng retinoid có thể dẫn đến khô da và kích ứng, ảnh hưởng tâm lý...
Do đó, Sanofi cho rằng người dân có nhu cầu tìm phương án điều trị mụn trứng cá mới, có thể thực hiện được bằng vaccine.
Khi nào vaccine có thể được cung cấp?
Thông thường, cần mất khoảng một thập kỷ để một loại vaccine đi từ giai đoạn thiết kế đến giai đoạn được cấp phép, phê duyệt sử dụng rộng rãi. Vaccine cần trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm từ động vật, tế bào người, trước khi chuyển sang thử nghiệm trên người. Ngay cả khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một mang lại kết quả khả quan, mũi tiêm vẫn cần thử nghiệm nhiều hơn nữa trước khi có thể được phân phối.
Nhiều câu hỏi khác cũng cần được giải đáp thông quan thử nghiệm, bao gồm tần suất tiêm, tác dụng có lợi kéo dài trong bao lâu, liệu vaccine có thể được sử dụng như một biện pháp phòng ngừa hay không, thay vì chỉ có tác dụng điều trị tình trạng mụn trứng cá.
Sanofi cũng có kế hoạch triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 riêng biệt cho vaccine này vào năm 2027. Trong đó, công ty sẽ kiểm tra thêm về mức độ hiệu quả của vaccine trên những người bị mụn trứng cá ở mức độ nhẹ hơn.
Có loại vaccine trị mụn nào khác đang thử nghiệm không?
Vaccine của Sanofi không phải loại duy nhất đang được phát triển, song là ứng viên vaccine đi xa nhất trong quá trình này.
Hiện có một nhóm các nhà nghiên cứu ở California đã tạo ra vaccine nhắm vào biến thể enzyme hyaluronidase trong C. acnes. Biến thể này chỉ được sản xuất bởi vi khuẩn C. acnes gây mụn trứng cá.
Trên chuột, vaccine được chứng minh làm giảm 50% mức độ nghiêm trọng khi mắc mụn trứng cá, so với các loài gặm nhấm không được tiêm vaccine. Sau thành công này, hiện vaccine đang trong quá trình chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng.
Chi Lê (Theo LiveSciene)