Nhảy đến nội dung
 

Những ca mổ nối liền chi, da đầu kinh điển

noi lien chi dut lia anh 1

Ca ghép cẳng - bàn tay từ người sống đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Việt Linh.

Ánh đèn phòng mổ sáng rực, từng bàn tay bác sĩ chăm chút khâu nối những sợi mạch máu siêu nhỏ, từng bước cố định xương và gân. Bên ngoài, gia đình bệnh nhân lo âu, hồi hộp.

Mỗi ca mổ nối chi đứt lìa đều là một hành trình đầy kịch tính, nơi cuộc sống, hình hài và tương lai của người bệnh được giành giật từng giây phút.

Ca ghép cẳng - bàn tay từ người cho sống đầu tiên trên thế giới

Tháng 1/2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghi dấu lịch sử y học Việt Nam và cả thế giới khi thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên từ người cho sống.

Bệnh nhân là anh Phạm Văn Vương (31 tuổi, Hà Nội). Bốn năm trước đó, anh bị tai nạn lao động nghiêm trọng khiến phần cẳng tay và bàn tay trái dập nát hoàn toàn, buộc phải cắt cụt. Anh sống suốt 4 năm trong mặc cảm, không thể tự sinh hoạt hay làm việc như trước.

May mắn, một bệnh nhân khác nhập viện với thương tích tương tự nhưng không thể giữ lại phần chi thể. Người này và gia đình đã tự nguyện hiến lại phần cẳng - bàn tay. Đây chính là nghĩa cử nhân văn đặc biệt mở ra cơ hội ghép tay cho anh Vương.

Ngày 21/1/2020, ca mổ diễn ra trong gần 8 giờ. Dưới kính vi phẫu, các bác sĩ nối lại mạch máu nhỏ hơn sợi tóc, thần kinh, gân cơ… với độ chính xác tuyệt đối. Ánh đèn phòng mổ sáng rực, cả kíp mổ căng thẳng như “đi trên dây”.

noi lien chi dut lia anh 2

Cánh tay anh Vương sau phẫu thuật ghép chi. Ảnh: Việt Linh.

Khoảnh khắc kỳ diệu nhất là khi các ngón tay của bàn tay ghép bắt đầu hồng trở lại và có thể cử động nhẹ. Toàn bộ ê-kíp vỡ òa xúc động.

"Đây là ca ghép không chỉ cứu một con người mà còn khẳng định y học Việt Nam đủ sức thực hiện những kỹ thuật phức tạp hàng đầu thế giới", GS.TS Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc BV 108, chia sẻ.

Ca ghép đồng thời hai cẳng tay từ người cho chết não

Chưa đầy một năm sau kỳ tích đầu tiên, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục tạo dấu ấn khi thực hiện ca ghép đồng thời hai cẳng tay cho một nam thanh niên 18 tuổi.

Bệnh nhân từng gặp tai nạn lao động nghiêm trọng, bị mất gần hoàn toàn hai cẳng tay. Cậu nhập viện trong trạng thái gần như tuyệt vọng, với nỗi lo suốt phần đời còn lại sẽ phải sống tật nguyền, không thể tự chăm sóc bản thân.

Ngày 16/9/2020, ca mổ được tiến hành trong khuôn khổ chương trình ghép đa mô tạng từ người cho chết não. Kíp mổ huy động tới hơn 150 bác sĩ, kỹ thuật viên, cùng lúc vận hành 12 bàn mổ trong suốt gần 8 giờ.

noi lien chi dut lia anh 3

Nam với bàn tay được ghép sau hai tháng. Ảnh: BVCC.

Từng mạch máu, dây thần kinh, gân cơ nhỏ xíu được nối liền cẩn trọng dưới kính vi phẫu. Thời khắc các ngón tay dần hồng lên báo hiệu chi thể ghép được cấp máu thành công là một khoảnh khắc vỡ òa với cả kíp phẫu thuật. Đến nay, cả hai tay ghép đã sống tốt, bệnh nhân có thể thực hiện những cử động cơ bản.

Đây được ghi nhận là ca ghép đồng thời hai cẳng tay đầu tiên tại Đông Nam Á, tiếp tục khẳng định năng lực y học của Việt Nam trong lĩnh vực ghép chi thể phức tạp.

Nối “cậu nhỏ” bị đứt lìa

Tháng 11/2016, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận một ca bệnh khiến các bác sĩ căng thẳng tột độ. Nam bệnh nhân bị tai nạn lao động, dương vật bị chém đứt lìa hoàn toàn. Phần chi thể quý giá được người nhà bảo quản trong túi nylon, đặt trong đá lạnh suốt gần 10 tiếng đồng hồ trước khi đưa đến viện.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, máu mất nhiều, vết thương bẩn, các mạch máu co thắt. Không khí trong phòng mổ như đông đặc lại, từng ánh mắt dõi theo những thao tác tinh vi dưới kính hiển vi.

Khó nhất là nối lại các động mạch, tĩnh mạch nhỏ hơn cả sợi chỉ khâu. Thần kinh, niệu đạo, các mô xốp của dương vật cũng phải khâu tỉ mỉ để khôi phục chức năng tiểu tiện, sinh lý.

Cuối cùng, sau nhiều giờ mổ căng thẳng, phép màu đã đến. Dòng máu đỏ tươi bắt đầu lưu thông trong "cậu nhỏ" vừa được nối lại. Bệnh nhân giữ được hình thể và khả năng tiểu tiện, sinh lý - điều ngỡ như không tưởng.

Đến nay, nhiều ca tương tự được thực hiện thành công tại Bệnh viện Việt Đức.

Vượt 300 km, hồi sinh bàn tay cho bé gái 31 tháng tuổi

Trưa tháng 6/2018, tại một bản vùng cao ở Hà Giang, tiếng máy cắt cỏ vang lên rồi im bặt, để lại tiếng khóc xé lòng của bé V.T.V., mới 31 tháng tuổi. Bố mẹ hoảng loạn, khi thấy bàn tay trái bé bị máy cắt đứt lìa, máu chảy xối xả.

Cả gia đình tức tốc đưa bé vượt hơn 300 km về Hà Nội, giữ phần bàn tay trong túi đá lạnh. Khi vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ nhìn thấy bàn tay nhỏ xíu, tím tái, mạch máu li ti. Họ hiểu, ca mổ này không chỉ cần kỹ thuật siêu vi mà còn là cuộc chạy đua với thời gian.

noi lien chi dut lia anh 4

Hình ảnh bàn tay bệnh nhân sau khi được nối. Ảnh: BVCC.

Trong hơn 3 giờ rưỡi, dưới kính hiển vi, bác sĩ khâu từng mạch máu nhỏ như sợi tóc, nối từng sợi thần kinh bé xíu. Chỉ cần lệch một mũi khâu, máu sẽ không lưu thông, bàn tay sẽ hoại tử. Mọi người căng thẳng đến mức nín thở.

Cuối cùng, bàn tay bé bắt đầu hồng lên, các ngón tay khẽ co duỗi. Khi bé tỉnh lại, ngơ ngác nhìn bàn tay còn nguyên vẹn, bố mẹ bé không cầm được nước mắt. Các bác sĩ cũng nhẹ nhõm, bởi họ không chỉ nối lại một bàn tay, mà còn cứu vớt tương lai một đứa trẻ.

Nối lại toàn bộ da đầu bị lóc

Đầu năm 2024, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã thực hiện thành công một ca phẫu thuật hi hữu, nối lại toàn bộ da đầu bị lóc cho một nữ bệnh nhân, ghi thêm dấu ấn vào lịch sử những ca nối liền kinh điển của ngành y Việt Nam.

Bệnh nhân là chị K.O. (28 tuổi, quê Tây Ninh), làm việc tại một nhà máy kéo sợi. Trong lúc cúi gần máy cuốn, chị bị máy hút tóc và toàn bộ da đầu, kéo lóc ra ngoài, đứt cả vành tai, để lộ xương sọ.

Ngay sau tai nạn, các công nhân tại xưởng đã nhanh trí thu giữ phần da đầu bị lóc, cho vào túi ni lông, bảo quản đá lạnh, rồi chuyển cấp cứu qua nhiều tuyến y tế, cuối cùng đến Bệnh viện Chợ Rẫy. May mắn, da đầu được bảo quản đúng cách, tránh hoại tử.

noi lien chi dut lia anh 5

Nữ bệnh nhân hồi phục tốt sau khi được ghép da đầu. Ảnh: Chí Hùng.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân lập tức được kích hoạt quy trình báo động đỏ, mổ cấp cứu để nối lại toàn bộ phần da đầu.

Ca phẫu thuật kéo dài 4,5 giờ, chia thành hai kíp mổ: một kíp tìm mạch máu trên phần da đầu bị lóc, một kíp tìm mạch máu tương ứng trên đầu bệnh nhân. Công đoạn nối mạch cực kỳ tinh vi, vì hầu hết mạch máu đã bị giập nát, đòi hỏi phải thực hiện dưới kính hiển vi phẫu thuật với độ chính xác tuyệt đối.

Nhờ vào “thời gian vàng”, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tuyến y tế, ca mổ đã thành công mỹ mãn. Sau một tháng, tóc của bệnh nhân đã mọc lại, và da đầu hồi phục gần như nguyên vẹn. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy nối thành công toàn bộ da đầu bị lóc.

Làm chủ kỹ thuật khó, tận dụng 'thời gian vàng'

Mới đây nhất, Nam TikToker "Hà List" (tên thật là Ngọc Hà, 35 tuổi, ở Thái Nguyên) bị chém gần đứt rời bàn tay đã được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nối lại thành công nhờ kỹ thuật vi phẫu, càng khẳng định tay nghề vững vàng của các bác sĩ Việt Nam.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS.BSCC Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho biết nối chi thể đứt rời là kỹ thuật rất khó, đòi hỏi cả ê-kíp phải đủ chuyên môn, đồng bộ. Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ của bệnh viện được thành lập từ 2020, dẫn dắt bởi bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Tùng. Từ đó đến nay, nhiều ca bệnh hy hữu, tưởng như "bỏ đi", đã được cứu sống, đem lại hy vọng cho người bệnh và gia đình.

Điển hình như trường hợp cháu bé mới 18 tháng tuổi được nối thành công bàn tay bị đứt rời, tháng 9/2023. Trẻ bị máy cắt đứt tay, nhập viện trong tình trạng mất máu nghiêm trọng. Bác sĩ Tùng cùng ê-kíp đã phẫu thuật liên tục 5 tiếng để giữ lại bàn tay.

noi lien chi dut lia anh 6

PGS.TS.BSCC Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Vị chuyên gia cũng nhắc tới ca bệnh đặc biệt là hai anh em ở Phú Bình (Thái Nguyên) bị máy cắt cỏ cắt cụt mỗi trẻ một chân. Bác sĩ Tùng đã phải mổ song song để nối lại hai chân cho hai anh em trong cùng một phòng mổ.

"Đó là ca hiếm gặp, rất kịch tính về thời gian và đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cả ê-kíp. Những ca như vậy không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà còn là sự hy sinh thầm lặng. Có những ngày, các bác sĩ phải mổ xuyên 24 tiếng, chỉ uống sữa cho đỡ đói", PGS Hoàng cho hay.

Bác sĩ Hoàng nhấn mạnh trong những ca phẫu thuật nối chi thể đứt rời, yếu tố thời gian rất quan trọng. Có trường hợp chỉ chậm vài tiếng, mô đã hoại tử.

"Việc một bệnh viện tại Thái Nguyên làm chủ được kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời rất có ý nghĩa. Người dân được cứu chữa kịp thời ngay tại địa phương, không phải mất 'thời gian vàng' để chuyển đến các bệnh viện tại Hà Nội. Đồng thời, chia sẻ bớt áp lực cho các bệnh viện tuyến chuyên sâu vốn luôn quá tải. Đây cũng là hướng đi cần thiết để nâng cao chất lượng y tế khu vực, giúp người bệnh được hưởng dịch vụ tốt hơn, gần nhà hơn", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Học cách già đi

Bước vào tuổi xế chiều, nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Họ không còn công việc để làm, mất đi sự năng động vốn có và trở nên tự ti. Về già, hãy học cách yêu cuộc đời một lần nữa.

Trong cuốn sách Khoa học tâm thức, Carl Jung mổ xẻ một số lĩnh vực quan trọng và gây tranh cãi nhất trong tâm lý học phân tích: Phân tích giấc mơ, vô thức nguyên thủy và mối quan hệ giữa tâm lý học và tôn giáo. Ông cũng xem xét những khác biệt giữa lý thuyết của mình và của Freud, cung cấp kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của phân tâm học.
 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn