Những bài toán chờ đợi tân Giáo hoàng Leo XIV

Tân Giáo hoàng Leo XIV sẽ đối mặt với những bài toán về nội bộ Giáo hội Công giáo cũng như đối ngoại.
Thế giới vào rạng sáng nay (9.5) theo giờ Việt Nam đã chào đón tân Giáo hoàng Leo XIV. Theo Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh Vatican Matteo Bruni, những thông điệp đầu tiên của Giáo hoàng Leo XIV là những lời nhắn về hòa bình, không vũ trang và giải trừ vũ khí, Vatican News đưa tin ngày 9.5.
Dự kiến tân giáo hoàng sẽ cử hành thánh lễ với Hồng y đoàn vào ngày 9.5, sự kiện được phát trực tiếp. Trong ngày 11.5, ông sẽ chủ trì buổi cầu nguyện Regina Coeli tại Vương cung thánh đường Thánh Peter. Vào ngày 12.5, Giáo hoàng Leo XIV sẽ có buổi gặp gỡ báo chí.
Nhiệm vụ trước mắt của Giáo hoàng Leo XIV là dẫn dắt Giáo hội Công giáo với hơn 1,4 tỉ người đối mặt với các vấn đề bên trong giáo hội và quốc tế.
Vấn đề ngân sách
Dù Vatican đã nỗ lực cắt giảm chi phí và cải cách quản lý tài chính dưới thời cố Giáo hoàng Francis, Tòa thánh vẫn đang đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách 94 triệu USD, theo Reuters.
Trong khi đó, khoản thâm hụt hưu trí ước tính lên đến 631 triệu euro vào năm 2022. Hiện chưa có cập nhật chính thức, song Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết khoản thâm hụt đến nay đã tăng vọt.
Đức tin tại châu Âu
Tổng số người Công giáo trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng và hiện có hơn 1,4 tỉ người đã thực hiện nghi thức rửa tội. Tuy nhiên, con số này đến từ sự gia tăng số giáo dân tại châu Phi, trong khi việc đến nhà thờ và mong muốn trở thành linh mục đang giảm dần tại châu Âu.
Tại Đức, quốc gia đông dân nhất Liên minh châu Âu (EU), hội đồng giám mục vào đầu năm nay báo cáo chỉ có 29 linh mục mới được tấn phong vào năm 2024, mức thấp kỷ lục. Cũng trong năm này, khoảng 321.000 người công giáo Đức đã rời khỏi giáo hội.
Trước đây, có khoảng một nửa trong số 83 triệu người tại Đức là người Công giáo. Hiện số giáo dân ở nước này chỉ còn dưới 20 triệu người.
Song, Tòa thánh Vatican cho biết số người Công giáo tại châu Âu vẫn chiếm khoảng 39,5% tổng số dân châu lục này vào năm 2022. Sự suy giảm đã diễn ra liên tục trong nhiều năm và trùng với tình trạng suy giảm dân số tại châu Âu.
Người ly hôn, phụ nữ và cộng đồng LGBT
Dưới thời cố Giáo hoàng Francis, đã xuất hiện những tranh luận giữa những giáo dân mang tư tưởng truyền thống và hiện đại, về việc liệu Giáo hội Công giáo có nên chào đón những người đã ly hôn, người thuộc cộng đồng LGBT hay không. Ngoài ra còn có những tranh luận về việc trao cho phụ nữ nhiều vai trò hơn trong công việc tại nhà thờ.
Cố Giáo hoàng Francis không thay đổi giáo lý, song đã chào đón những người ly hôn tham dự rước lễ, cũng như ban phước cho các cặp đôi đồng giới. Vấn đề này nhiều khả năng sẽ còn được tranh luận trong nhiều năm tới và sẽ là bài toán cho tân Giáo hoàng Leo XIV để cân bằng giữa các yêu cầu.
Tình trạng lạm dụng trẻ em
Tân giáo hoàng sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng xuất hiện lạm dụng tình dục ở một số giáo phận trên thế giới. Vấn đề này đã đeo bám và suy giảm uy tín nghiêm trọng của Giáo hội Công giáo trong 30 năm qua.
Cố Giáo hoàng Francis và người tiền nhiệm Benedict XVI đã cam kết thực hiện chính sách không khoan nhượng, song các cải cách của họ chỉ mang lại kết quả cục bộ, với việc thực hiện không đồng đều trên những châu lục khác nhau.
Ngoại giao
Mối quan hệ giữa Vatican với các quốc trên thế giới sẽ được theo dõi sát sao. Những bài giảng của Giáo hoàng Leo XIV nhiều khả năng sẽ mang thông điệp với các vấn đề toàn cầu, trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều cuộc xung đột và bất ổn.
Cố Giáo hoàng Francis từng là người vận động mạnh mẽ cho hành động chống biến đổi khí hậu và đã chỉ trích các chính sách nhập cư cứng rắn của châu Âu và Mỹ.