Nhảy đến nội dung
 

Nhiều tài xế công nghệ bật app cả ngày, thức trắng nhưng thu nhập... bấp bênh

Giữa thành phố náo nhiệt, một bộ phận người trẻ làm công việc giao hàng, xe ôm công nghệ sống lặng lẽ trong một nhịp đời chênh vênh. Không có ca làm ổn định, không được nghỉ ngơi thật sự, họ bật app (ứng dụng) cả ngày, nhưng đơn thưa. Họ thức trắng nhưng thu nhập chỉ lay lắt.

Vẫn bám nghề dù thu nhập giảm

Trưa 26.7, tại một góc đường Nguyễn Huệ, P.Sài Gòn, TP.HCM (trước đây là P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), tài xế xe ôm công nghệ Ngô Thành Đạt (25 tuổi) ngồi trước xe máy, tay cầm điện thoại chờ "cuốc nổ" (tức có đơn hàng của khách).

"Tôi chạy từ 7 giờ sáng tới giờ, mà giờ (10 giờ 20 phút) mới được 2 cuốc, chỉ được 50.000 đồng. Mở app suốt, nhưng không có khách", Đạt kể.

Đạt rời quê ở tỉnh Kiên Giang (ở xã Gò Quao, tỉnh An Giang; trước là xã Định An, H.Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) lên TP.HCM 3 năm nay. Chàng trai này từng học nghề điện lạnh, rồi chuyển qua chạy ôm công nghệ vì "tự do, không bị ai quản lý" như lời Đạt nói. Nhưng vài tháng nay, thu nhập liên tục giảm vì đơn ít, khách hàng thắt chặt chi tiêu, trong khi chi phí thuê trọ, ăn uống, sửa xe thì tăng.

"Trung bình một ngày chạy gần 100 cây số, kiếm được tầm 250.000 – 300.000 đồng. Nhưng sau khi trừ tiền xăng, ăn, phí app, khấu hao xe... thì chẳng còn bao nhiêu. Tháng rồi, tôi còn phải đi mượn đóng tiền nhà trọ", Đạt chia sẻ.

Vũ Việt Linh (sinh viên năm cuối ngành du lịch một trường ĐH ở P.Thạnh Mỹ Tây, TP.HCM; trước thuộc P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), làm bán thời gian cho một ứng dụng giao hàng 24/7, cũng rơi vào trạng thái "bán thời gian cả ngày".

Linh kể: "Ban đầu chỉ định chạy buổi tối kiếm thêm, nhưng vì đơn không đều, mình phải bật app cả ngày, ngồi đợi đơn ở quán cà phê, bãi xe, góc công viên... Có hôm 4 tiếng đồng hồ mới được một đơn".

Việc này khiến Linh không còn thời gian cố định để học bài, nghỉ ngơi hay tham gia bất kỳ sinh hoạt nào. "Cảm giác mình lúc nào cũng đang... chờ. Không làm ra tiền cũng không dám làm việc khác, vì sợ lỡ đơn", Linh nói.

Nhiều người trẻ đang chạy xe ôm công nghệ, giao hàng gọi đây là "trạng thái treo". "Nghĩa là không thực sự làm việc, nhưng cũng không được thảnh thơi, sống với cảm giác luôn canh chừng điện thoại, và luôn lo lắng rằng… không kiếm đủ tiền để sống", Trịnh Minh An (31 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ, ngụ ở 334/2 Tôn Đản, P.Khánh Hội, TP.HCM; trước đây thuộc P.4, Q.4, TP.HCM) nói.

Khảo sát nhanh của PV với nhiều tài xế xe ôm công nghệ tại TP.HCM, đa phần ý kiến cho biết họ bị mỏi lưng, đau đầu, rối loạn giấc ngủ cũng như những căng thẳng vô hình nhưng không dám nghỉ làm vì sợ mất thu nhập. Cũng theo họ, thu nhập hiện nay đã giảm so với 1 - 2 năm trước. Tuy nhiên họ vẫn tiếp tục bám nghề vì chưa biết làm gì khác.

Trần Quốc Long (27 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ, ngụ ở 214/3Bis Vạn Kiếp, P.Gia Định, TP.HCM; trước đây là P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chia sẻ: "Căng thẳng nhất là lúc đứng ngã tư, ngã ba để đợi đơn. Mưa thì lạnh, nắng thì cháy da. Nhìn app hoài mà không có đơn. Cảm giác nó khác với thất nghiệp, vì mình vẫn làm việc nhưng chẳng có gì đổi lại".

Long cũng chia sẻ: "Tôi từng nhiều lần bị đau dạ dày, chóng mặt, nhưng vẫn không đi khám vì sợ tốn tiền. Chạy thêm vài cuốc nữa có khi đủ tiền thuốc. Nhưng chạy xong thì lại mệt hơn".

Anh Nguyễn Văn Phong (34 tuổi, ngụ ở 7A/9 Thành Thái, P.Diên Hồng, TP.HCM; trước đây là P.14, Q.10, TP.HCM), chia sẻ: "Nhiều ngày mở app từ 6 giờ sáng đến 23 giờ khuya, trừ xăng với tiền ăn, cầm về còn 170.000 – 200.000 đồng. Tính ra chạy gần 17 tiếng mà chưa tới 12.000 đồng/giờ. Nhưng nghỉ thì tiền đâu trả nhà trọ, gửi về quê?".

Anh Phong nói tiếp: "Như một vòng luẩn quẩn. Càng rảnh càng nợ. "Thời gian chết" kéo dài giữa các đơn hàng khiến chúng tôi không dám rời mắt khỏi app, dù biết rõ thu nhập đang giảm sút".

Thu nhập không ổn định, tương lai mờ mịt

Nguyễn Ngọc Phú (24 tuổi, ngụ ở hẻm 220 Bùi Đình Túy, P.Bình Thạnh, TP.HCM; trước đây thuộc P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) giao hàng cho một ứng dụng vận chuyển, giao hàng, với hy vọng "thu nhập cao hơn, linh hoạt hơn". Nhưng sau khi làm công việc này được 8 tháng, Phú nhận ra mình chỉ đang sống qua ngày, không có bảo hiểm, không có dự phòng, càng không có kế hoạch tương lai.

"Tiền kiếm được chỉ vừa đủ đổ xăng và ăn cơm hộp. Tôi không dám nghĩ đến chuyện mua bảo hiểm y tế, càng sợ ốm đau. Mỗi sáng mở mắt là nghĩ đến câu hỏi "hôm nay sẽ có bao nhiêu đơn" chứ không phải là "hôm nay mình sống như thế nào". Buồn lắm", Phú trải lòng.

Theo Phú, nhiều người trẻ làm nghề tự do như giao hàng, chạy xe ôm công nghệ hiện nay đang sống ở trạng thái... lửng lơ. "Tôi và nhiều đồng nghiệp khác không thuộc về lao động chính thức, cũng không được hỗ trợ như người yếu thế. Cuộc sống ảm đạm, khó mà có tiền để dành dụm, tích lũy", Phú nói.

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Quang, Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM, cho biết: "Đây là hiện tượng đáng chú ý trong nền kinh tế gig (việc làm linh hoạt). Người trẻ tham gia với kỳ vọng linh hoạt, nhưng lại bị mắc kẹt trong vòng xoáy không có lịch trình ổn định. Nhóm lao động trẻ này bị mắc kẹt giữa nền kinh tế số và kinh tế thực. Họ không có hợp đồng lao động, không bảo hiểm xã hội, không lương tối thiểu, không có quyền lợi rõ ràng, nhưng lại làm việc gần như toàn thời gian. Khi đơn hàng giảm, họ không có bất kỳ cơ chế hỗ trợ nào".

Ông Quang cho rằng "trạng thái treo" là dạng lao động bị gián đoạn năng suất nhưng không được tính là thất nghiệp. Điều này khiến họ không được phản ánh đúng trong các báo cáo kinh tế, xã hội.

Chuyên gia tâm lý Đặng Hòa Thu Nhân, Trung tâm tham vấn và trị liệu, tư vấn tâm lý Khải An (P.Bình Trưng, TP.HCM; trước đây thuộc P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM), nhận định: "Sự mệt mỏi kéo dài không đến từ cường độ công việc, mà đến từ sự thiếu kiểm soát thời gian sống. Người trẻ không thể lập kế hoạch ngày mai, không dám nghỉ cuối tuần, không biết nửa năm tới còn sống bằng nghề gì. Tâm lý "đợi đơn" dần trở thành "sống để chờ", sẽ nguy hiểm về mặt tinh thần".

Để có thể gỡ "trạng thái treo" này, theo ông Quang, các nền tảng công nghệ chuyên cung cấp các dịch vụ vận chuyển, giao hàng và thanh toán kỹ thuật số cần công bố rõ tỷ lệ đơn/người/ngày, để tài xế không rơi vào... ảo tưởng thu nhập. Ngoài ra, cần có quy định khung thời gian nghỉ bắt buộc, nên thiết lập "giờ nghỉ khuyến cáo" trên app, tránh tình trạng bật app 16 – 18 tiếng/ngày.

Cũng theo ông Quang: "Cần khung pháp lý mới về lao động trên nền tảng, quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ, quyền lợi tối thiểu của người giao hàng. Nên chăng cập nhật chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế linh hoạt. Để người làm nghề tự do có thể tham gia bảo hiểm từng quý, từng tháng, không lệ thuộc doanh nghiệp…".

Bà Nhân gợi ý: "Người trẻ nên xem nghề giao hàng, lái xe công nghệ như một bước đệm ngắn hạn, chứ không phải lối sống dài hạn. Trong lúc "rảnh đơn", nên tranh thủ học kỹ năng mới, tích lũy thêm nghề tay trái hoặc lập kế hoạch chuyển đổi nghề".

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn