Nhiều 'ông lớn' smartphone bắt tay nhà mạng phổ cập 5G

Sự kiện Samsung lần đầu tiên kết hợp cùng Viettel đưa smartphone 5G giá rẻ về miền Tây, hay bắt tay Oppo ra mắt dòng điện thoại 5G mới nhất là những tín hiệu cho thấy cuộc đua trên thị trường 5G tại Việt Nam đang tăng tốc.
Nhiều hãng điện thoại tăng tốc phổ cập smartphone 5G
Oppo Việt Nam chính thức công bố hợp tác với Sơn Tùng M-TP để quảng bá cho Reno14 Series. Dòng sản phẩm này dự kiến sẽ có hai phiên bản hỗ trợ kết nối 5G siêu tốc khi ra mắt tại Việt Nam. Reno 14 Series của Oppo cũng sẽ có sự đồng hành của Viettel, nhà mạng 5G lớn tại Việt Nam.
Theo đó, khách hàng sẽ được tặng 30 GB data tốc độ cao khi sở hữu dòng điện thoại này. Đây là dòng điện thoại được quảng bá có khả năng khai thác tối đa sức mạnh của mạng 5G, mang đến trải nghiệm trọn vẹn với loạt tính năng AI (trí tuệ nhân tạo) mạnh mẽ.
Trước đó, Samsung cũng đã nhanh chóng đồng hành cùng Viettel trong chương trình "Chuyến xe công nghệ 5G" tại 6 tỉnh miền Tây Nam bộ. Người dân được trải nghiệm tốc độ siêu nhanh của mạng 5G, tận tay sử dụng smartphone thế hệ mới Galaxy A06 5G với giá chỉ từ 3 triệu đồng - một mức giá dễ tiếp cận cho đông đảo người dùng. Đây cũng là lần đầu tiên Samsung cho ra mắt thị trường dòng máy smartphone 5G ở mức giá thấp như vậy. Điều này cho thấy 5G không còn là công nghệ dành riêng cho phân khúc cao cấp, mà đã hướng tới người dùng ở mọi tầng lớp nhân dân.
Khi smartphone 5G chỉ còn từ 3 triệu đồng, người dùng không còn phải cân nhắc giữa "giá cao" và "công nghệ mới". Cộng với các gói cước hợp lý từ nhà mạng, rào cản chi phí - vốn là trở ngại lớn nhất - gần như đã bị xóa bỏ.
Lý giải 'cơn sóng' 5G từ xa xỉ trở thành phổ thông
Những động thái nói trên từ các hãng thiết bị đầu cuối không phải là ngẫu nhiên. Nó đến từ sự hội tụ của hai yếu tố: nhu cầu 5G tại Việt Nam đang tăng nhanh và hạ tầng mạng lưới đã sẵn sàng.
Vài năm trước, 5G là một tính năng xa xỉ chỉ có trên các dòng flagship. Hiện nay, kết nối 5G đã trở thành tiêu chuẩn trên hầu hết các mẫu smartphone mới ở mọi phân khúc. Điều này cho thấy chính người tiêu dùng đang ưu tiên thiết bị có sẵn 5G để không bị lỗi thời, tạo ra một thị trường đại chúng thực sự.
Nhu cầu này còn được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong thói quen tiêu thụ nội dung. Việc xem video streaming chất lượng 4K/8K, chơi game trên nền tảng đám mây (cloud gaming) và livestream đòi hỏi một kết nối có băng thông cực lớn và độ trễ cực thấp - những ưu điểm mà chỉ 5G có thể đáp ứng một cách tối ưu.
Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 như nhà máy thông minh, IoT, logistics tự động hóa, tạo ra nhu cầu lớn về một kết nối không dây ổn định, thậm chí qua điện thoại. Tất cả những yếu tố này, cộng hưởng với chủ trương thúc đẩy 5G của Chính phủ trong Chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia, đã tạo ra một lực cầu mạnh mẽ trên thị trường.
Hiện tại, các nhà mạng lớn đang quyết liệt đầu tư hạ tầng 5G. Khởi đầu cuộc đua này là Viettel, với tốc độ triển khai và quy mô vượt trội. Sau khi đấu giá thành công băng tần vào năm 2024, Viettel đã nhanh chóng đẩy mạnh vùng phủ và trở thành nhà mạng đầu tiên thương mại hóa 5G tại Việt Nam. Tính đến nay, nhà mạng này đã triển khai hơn 7.000 trạm BTS, phủ sóng toàn bộ các tỉnh thành, từ các khu công nghiệp, khu du lịch đến cảng biển, sân bay.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel, ông Tào Đức Thắng, khẳng định mục tiêu đầy tham vọng: Trong năm 2025, Viettel sẽ hoàn thành 20.000 trạm phát sóng 5G, phủ 95% khu vực trung tâm dân cư đô thị trên cả nước.
Các nhà mạng khác như VNPT và MobiFone cũng đang tích cực nhập cuộc, lần lượt phủ sóng 5G tại 34 tỉnh, thành phố, với kế hoạch triển khai thêm hàng nghìn trạm phát sóng mới.