Nhiều người trình độ ĐH trở lên thất nghiệp, lao động trẻ cần làm gì ?

Trong 5 tháng đầu năm 2025, tại TP.HCM, hơn 9.000 người có trình độ ĐH trở lên bị thất nghiệp. Con số này không chỉ phản ánh thực trạng của thị trường lao động mà còn đặt ra thách thức lớn cho người trẻ trong việc thích nghi với những biến động kinh tế.
Tại một cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề KT-XH trên địa bàn TP.HCM, bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết trong 5 tháng đầu năm 2025, số lượng lao động trẻ dưới 35 tuổi thất nghiệp là gần 22.400 người, chiếm tỷ lệ 49,06%. Người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp là 9.297 người, chiếm 20,02%.
Vì sao người trẻ thất nghiệp ?
Câu chuyện của H.T.T.T (23 tuổi), ngụ P.Hòa Hưng (trước là P.13, Q.10), TP.HCM, là ví dụ điển hình. Theo học ngành quan hệ quốc tế tại một trường ĐH ở TP.HCM, nhưng T. chọn ứng tuyển vào lĩnh vực marketing. Thời gian qua, cô nàng đã nộp CV cho khoảng 30 công ty, tham gia nhiều buổi phỏng vấn nhưng vẫn chưa tìm được việc làm sau hơn 2 tháng thất nghiệp.
T. chia sẻ: "Mình thấy thời điểm này sinh viên mới ra trường tìm việc khá khó khăn vì tỷ lệ cạnh tranh cao, đặc biệt mình lại ứng tuyển vào công việc trái ngành. Trong quá trình đi phỏng vấn, có những vị trí mình rất thích nhưng lại thiếu kỹ năng quan trọng mà nhà tuyển dụng yêu cầu nên bị loại".
Áp lực tài chính với chi phí sinh hoạt hằng tháng cho tiền trọ, ăn uống và đi lại khá đắt đỏ, cùng với cảm giác thua kém bạn bè khiến T. rơi vào trạng thái căng thẳng và hoài nghi về bản thân. "Trong thời gian thất nghiệp, mình rất lo lắng và gặp stress vì không có tiền. Chưa kể mình còn bị áp lực đồng trang lứa khi bạn bè ra trường đều đã có được công việc như mong muốn", T. tâm sự. Dù vậy, cô vẫn đang kiên trì tìm công việc phù hợp, không muốn chọn đại một vị trí không yêu thích.
Tương tự, H.N.B.A (24 tuổi), ngụ P.Bình Trị Đông (trước là P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân), cựu sinh viên ngành dược một trường ĐH ở TP.HCM, cũng rơi vào cảnh thất nghiệp sau khi công ty cắt giảm chế độ do khó khăn kinh tế từ đầu năm nay.
Người viết gặp A. tại đường Vườn Lài, P.Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú cũ) khi anh vừa hoàn thành xong cuốc xe. A. cho biết sau khi nghỉ việc, anh có tìm công việc khác nhưng mãi vẫn chưa được. Vì không muốn lãng phí thời gian chờ đợi nên anh chàng đăng ký chạy xe công nghệ. Hiện tại, A. chạy xe 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày để kiếm tiền trang trải chi phí, trong khi tiếp tục tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững, tình trạng thất nghiệp ở người trẻ có bằng ĐH xuất phát từ nhiều nguyên nhân sâu xa. "Đầu tiên là sự mất cân bằng cung - cầu lao động. Nhiều ngành học tại các trường ĐH chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường. Trong khi các lĩnh vực công nghệ, phát triển bền vững đang khát nhân lực chất lượng cao, những ngành truyền thống lại dư thừa lao động. Điều này khiến nhiều sinh viên ra trường khó tìm được vị trí phù hợp với chuyên môn", bà Nương cho biết.
Theo bà Nương, chất lượng đào tạo và kỹ năng thực tế cũng là một thách thức lớn. Bà chia sẻ: "Nhiều sinh viên dù sở hữu bằng ĐH nhưng thiếu các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện hay giải quyết vấn đề. Năng lực chuyên môn của một số bạn trẻ cũng chưa đáp ứng yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp, đặc biệt là thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Các công ty có chế độ tốt thường ưu tiên ứng viên có thể bắt tay vào việc ngay, với thời gian học việc ngắn".
Ngoài ra, kỳ vọng của người lao động và doanh nghiệp đôi khi chưa đồng nhất cũng là một nguyên nhân. "Nhiều bạn trẻ mong muốn mức lương cao và vị trí tốt ngay từ đầu, trong khi doanh nghiệp lại tìm kiếm ứng viên sẵn sàng học hỏi với mức lương phù hợp năng lực ban đầu. Thêm vào đó, bối cảnh kinh tế biến động và xu hướng tự động hóa khiến nhiều công việc đơn giản bị thay thế bởi máy móc và trí tuệ nhân tạo. Điều này đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng cao hơn và khả năng thích ứng nhanh", bà Nương cho biết.
Ông Nguyễn Đại Dương, chuyên gia nhân sự, Giám đốc Công ty Cake Việt Nam, nhấn mạnh thêm: "Nguyên nhân cốt lõi có thể đến từ 2 yếu tố, đó là khoảng cách lớn giữa chương trình đào tạo ĐH và nhu cầu thực tế. Đồng thời, người trẻ thường tập trung vào kỹ năng chuyên môn hẹp mà quên mở rộng kiến thức đa chiều".
Giải pháp để vượt qua thách thức
Theo các chuyên gia, để không bị đánh bật khỏi dòng chảy thị trường, người lao động trẻ cần chủ động thay đổi tư duy và hành động.
"Người trẻ cần nâng cao năng lực chuyên môn. Đồng thời, các kỹ năng mềm như giao tiếp, tư duy phản biện, làm việc nhóm và khả năng thích nghi cần được rèn luyện song song. Ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh, cũng là lợi thế lớn. Bên cạnh đó, cần tích lũy kinh nghiệm thực tế ngay từ khi còn đi học bằng cách tham gia thực tập, làm thêm bán thời gian hoặc dự án cá nhân để xây dựng kỹ năng và thể hiện sự chủ động. Tham gia các cuộc thi học thuật, hoạt động cộng đồng cũng giúp tạo dấu ấn với nhà tuyển dụng", bà Nương nói.
Ngoài ra, theo bà Nương, tư duy linh hoạt và sẵn sàng thích nghi cũng là yếu tố then chốt. "Người trẻ cần cởi mở với các vị trí khởi đầu thấp hoặc thậm chí chuyển ngành nếu phù hợp. Khởi nghiệp hoặc làm việc tự do cũng là những lựa chọn tiềm năng, nhưng cần trang bị kiến thức để tránh rủi ro. Cuối cùng, xây dựng mạng lưới quan hệ là một chiến lược quan trọng. Tham gia các sự kiện ngành, hội thảo hoặc cộng đồng chuyên môn giúp người trẻ cập nhật xu hướng thị trường và mở ra cơ hội việc làm. Nghiên cứu kỹ thị trường lao động để hiểu các ngành nghề "hot", mức lương và yêu cầu kỹ năng cũng là cách định hướng phát triển hiệu quả", bà Nương khuyên.
Ông Dương nhấn mạnh thêm: "Doanh nghiệp ngày nay không chỉ cần bằng cấp mà còn chú trọng hơn vào năng lực thực tế, các kỹ năng chuyên môn cụ thể và một bộ kỹ năng mềm vững chắc. Đặc biệt, khả năng thích ứng, học hỏi liên tục, tư duy phản biện và tinh thần chủ động là những yếu tố then chốt. Lao động trẻ phải luôn có tư duy cải tiến bản thân hằng ngày và tập trung vào việc tạo ra giá trị. Có như vậy thì mới có thể vượt qua thách thức và khẳng định vị trí trong thị trường lao động đầy cạnh tranh".