Nhiều người đến xin tiền khi hay tin ba tôi trúng số độc đắc

Ba tôi đã về hưu, anh chị em chúng tôi ai cũng đã có gia đình, công việc riêng, sống ổn. Lương hưu ba không nhiều, nhưng cuộc sống cũng đơn giản, sáng nào ra quán cà phê gần nhà uống ly đen đá rồi mua vài tờ vé số cho vui.
Từ chỗ cho vui dần thành thói quen, rồi thành ra tháng nào cũng phải bù thêm cho ba vì tiền lương hưu không đủ mua vé số.
Mấy năm trời như vậy, ba chưa từng trúng giải nào, dù chỉ là 100 nghìn đồng. Có đôi lần tôi khuyên ông nên dừng lại. Nhưng ông nói "Ba già rồi, không hút thuốc, không rượu bia, chỉ còn niềm vui này". Thôi thì mình làm con, thấy ba còn vui còn tỉnh táo, cũng không nỡ cấm đoán.
Rồi đùng một cái, ông trúng giải độc đắc. Chưa kịp mừng thì nhà tôi đã loạn. Anh em trong nhà chưa ai hay, mà người ngoài đã biết. Bà chủ đại lý vé số chạy tới nhà thông báo, chúc mừng, rồi đổi tiền cho ba tôi luôn tại nhà. Vài tiếng sau, hàng xóm tới hỏi thăm. Qua hôm sau, họ hàng ở xa gọi điện về. Chưa đến ba ngày mà nhà tôi như cái chợ.
Người xin vay tiền, người xin giúp đỡ, người nói đang bệnh nặng, người cần sửa nhà, người thất nghiệp, có người nói thẳng: "Anh trúng lớn, giúp tôi chút coi như có phước".
Họ hàng, người quen, người không thân cũng tới hỏi. Có người còn quay ra trách móc: "Tiền của trời cho, không chia là thất đức". Tệ hơn, anh chị em tôi cũng bắt đầu soi xét lẫn nhau: Ba có đưa tiền cho ai giữ không?
Tiền trúng số không phải tiền công, tiền làm ăn cực khổ, mà là lộc trời cho nên nhiều người cứ mặc định là phải chia. Nhưng họ quên mất rằng người trúng đã bỏ tiền ra mua. Lúc không trúng thì ai bù tiền cho họ?
Tôi không phản đối chuyện chia sẻ. Nếu ai trúng lớn rồi giúp người khó khăn thật sự thì là điều rất đáng quý. Nhưng tôi không đồng tình việc lấy cớ "của trời cho" để áp đặt người khác phải cho mình.
Hơn nữa, quyền riêng tư ở đâu khi người bán vé số nhớ bán cho ai, vé nào, số gì đã trúng?
Hiền