Nhiều doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sang phương tiện xanh - Báo VnExpress

Ngày 18/4, Công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội đã nhận bàn giao 17 xe buýt điện VinFast từ đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) để đưa vào vận hành tuyến buýt số 34 (bến xe Mỹ Đình - bến xe Gia Lâm). Đây là tuyến buýt thứ 5 tại Hà Nội chuyển đổi từ phương tiện chạy dầu diesel sang chạy điện kể từ đầu năm 2025 đến nay, sau các tuyến số 05, 39, 47 và 59. Kể từ khi triển khai, các tuyến xe buýt điện đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ hành khách bởi trải nghiệm di chuyển an toàn, văn minh và tiện nghi.
Ngoài hệ thống xe buýt điện, ngày càng nhiều doanh nghiệp taxi đang tăng tốc chuyển đổi xanh. Mới đây, Công ty Cổ phần Quản lý G7 Taxi đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với GSM về việc mua 899 ôtô điện VinFast VF 5, triển khai dịch vụ taxi xanh tại các thành phố lớn từ nay đến hết năm 2025. Theo đại diện G7, đây là bước đi nhằm "phủ sóng taxi điện đến từng khu phố, ngõ ngách", từng bước thay thế dần đội xe xăng hiện tại bằng xe điện thân thiện với môi trường.
Bên cạnh VF 5, G7 Taxi cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đội xe bằng việc đưa vào vận hành dòng xe MPV 7 chỗ VinFast Limo Green - mẫu xe mới sẽ ra mắt thị trường từ tháng 8/2025. Đây là dòng xe được thiết kế dành riêng cho dịch vụ vận tải hành khách cao cấp, tích hợp nhiều công nghệ hỗ trợ lái và tiện ích thân thiện với môi trường.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng Giám đốc G7 Taxi, việc chuyển đổi sang xe điện là giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Trước đó, vào tháng 2, công ty vận tải Thảo Nguyên Logistic cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với công ty GSM. Cụ thể, doanh nghiệp này mua 3.000 ô tô điện từ Xanh SM, đồng thời thành lập hãng taxi điện mới tại thị trường TP HCM, Bình Dương, Long An, nhằm mở rộng mạng lưới taxi điện tại phía Nam.
Trước G7 và Thảo Nguyên Logistics, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng tích cực hợp tác với Xanh SM để điện hóa dàn xe. Nổi bật là Lado taxi khi trở thành hãng xe taxi truyền thống đầu tiên tại Việt Nam "sang trang" 100% xe điện.
Từ tháng 5/2022, hãng bắt đầu sử dụng 20 xe điện VinFast VF e34 để phục vụ khách hàng tại Lâm Đồng. Đến ngày 8/2/2025, Lado Taxi đã hoàn tất việc thay thế toàn bộ đội xe xăng bằng xe điện VF e34 và VF 5 tại chi nhánh Lâm Đồng. Theo Lado, việc sử dụng ô tô điện VinFast cho dịch vụ taxi mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhờ cắt giảm 32-37% chi phí vận hành. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 2.500 xe taxi điện vào năm 2026.
Tổ chức nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence dự báo, thị trường xe taxi điện toàn cầu sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt hơn 12% mỗi năm cho đến năm 2027. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ là nơi có thị trường xe taxi điện năng động nhất trên thế giới.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ GSM, trong hơn hai năm qua, đơn vị này đã đồng hành với gần 100 doanh nghiệp vận tải trên cả nước trong quá trình chuyển đổi sang xe điện. Hiện có 13 doanh nghiệp đã hoàn tất chuyển đổi 100% sang xe điện như Lado Taxi (Lâm Đồng), Taxi Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh), Taxi Xanh Đông Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng), Taxi Việt Đức (Đắk Lắk), Taxi Sen Hồng (Đồng Tháp)...
Không dừng lại ở ngành vận tải, làn sóng chuyển đổi xanh cũng lan tỏa sang lĩnh vực du lịch. Công ty Cổ phần Địa ốc First Real vừa ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Green Future (GF – tiền thân là FGF) về việc thuê 1.000 ôtô điện VinFast phục vụ phát triển mô hình du lịch xanh tại Đà Nẵng. Đại diện First Real đánh giá đây là "bước tiến chiến lược" giúp nâng cao trải nghiệm du khách, đồng thời thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững, đóng góp vào lộ trình xanh hóa của Đà Nẵng và Việt Nam.
Xu hướng chuyển đổi còn lan sang các lĩnh vực khác. Năm 2024, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Ngân Lực (NIAD) đã thuê 200 xe VF 8 và VF 9 để cung cấp dịch vụ vận chuyển dài hạn. Đầu tháng 10 cùng năm, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Vingroup về thúc đẩy chuyển đổi xanh toàn diện. Trước đó, vào tháng 4, Tập đoàn FPT cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Vingroup cùng mục tiêu tương tự.
Các chuyên gia cho biết, việc nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như vận tải, bất động sản, du lịch... đồng loạt đầu tư vào xe điện cho thấy đây không còn là lựa chọn mang tính thử nghiệm, mà đang dần trở thành chiến lược phát triển dài hạn, mang tính tất yếu.
Xe điện là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm phát thải CO2, nâng cao trách nhiệm xã hội và thể hiện cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp trước cộng đồng, nhà đầu tư và khách hàng. Việc chuyển đổi phương tiện xanh giúp giảm chi phí vận hành, mang lại lợi thế cạnh tranh, củng cố hình ảnh thương hiệu và tạo cơ hội tiếp cận các nguồn vốn xanh. Đây cũng là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình thực hiện các tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) mà nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi.
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số ô tô tại Việt Nam năm 2024 đạt hơn 340.000 xe, tăng 12,6% so với năm trước. Trong đó, gần 90.000 xe là ô tô điện và đại đa số là xe điện VinFast. Lượng xe điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Với sự kết hợp giữa chính sách ưu đãi, phát triển công nghệ và đầu tư vào hạ tầng trạm sạc, xe điện được kỳ vọng sẽ trở thành phương tiện phổ biến trong tương lai, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng đến một nền giao thông bền vững hơn, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu Net Zero 2050.
Minh Ngọc