Cách startup chôn rác thu tỷ USD từ bán tín chỉ carbon cho Microsoft - Báo VnExpress

Tuần trước, Microsoft đã hợp tác với Vaulted Deep để loại bỏ 4,9 triệu tấn carbon dioxide tương đương (CO2e) trong 12 năm. Nhiều báo nước ngoài gọi đùa đây là "tín chỉ phân", bởi Vaulted Deep chuyên bơm phân và rác hữu cơ tại các thành phố của Mỹ vào lòng đất.
Họ là startup manh nha trong lĩnh vực tạo tín chỉ loại bỏ carbon (CDR). Việc đưa chất thải hữu cơ xuống độ sâu 6.000 ft (gần 2.000 m) một mặt xử lý chất thải tại Mỹ, một mặt bán tín chỉ do tránh được nguy cơ thải lượng khí CO2e.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Mỹ thải khoảng 200 triệu tấn rác hữu cơ mỗi năm gồm thức ăn thừa, cỏ, rác từ giấy, phân chuồng. Chỉ một phần ba số trên được chuyển thành phân hữu cơ hoặc năng lượng, phần còn lại bị đưa ra bãi chôn lấp.
Trong khi các tín chỉ từ rừng hay biochar (than sinh học) giúp hấp thụ CO2, tín chỉ từ chất thải hữu cơ còn tránh được khí siêu ô nhiễm methane (CH4), làm nóng hành tinh gấp 25 lần CO2. Tức, việc loại bỏ một tấn CH4 được tính tương đương với bỏ được 25 tấn CO2.
Với sự tham gia của Vaulted Deep, phân chuồng, bùn thải, rác hữu cơ từ đô thị và hoạt động nông nghiệp sau thu gom sẽ được ủ trong môi trường kỵ khí (không có oxy), trộn với chất thải lỏng sau xử lý thành dạng bùn sệt. Hợp chất này sau đó được bơm sâu xuống lòng đất qua các ống được gia cố xi măng.
Chúng sẽ được bơm vào các khối đá bazan, phân hủy chậm trong môi trường này. Quá trình này sản sinh ra khoáng vật carbon, giữ lại carbon trong hàng nghìn năm.
Công nghệ này được gọi là bơm bùn (slurry injection technology), ứng dụng trong ngành dầu khí từ những năm 1980 để quản lý chất thải mỏ dầu.
Hiện các ống thải địa chất của họ được đặt tại hai bang California và Kansas, được các bang cấp phép. Tại California, Vaulted đã xử lý khoảng 20% lượng chất thải rắn sinh học của Los Angeles trong hơn 15 năm. Còn ở Kansas, họ giám sát 75% lượng bùn thải sinh học cho thành phố Derby. Họ cũng hợp tác với nông dân địa phương để xử lý lượng phân chuồng dư thừa, thường gây mùi hôi và tràn dưỡng chất cho đất.
Phương pháp loại bỏ carbon này được chứng thực bởi cơ quan đăng ký carbon Isometric. Tính đến nay, Vaulted Deep đã loại bỏ hơn 69.000 tấn chất thải hữu cơ, cô lập gần 18.000 tấn CO2. Với mỗi tấn CO2 cô lập, họ thải ra 0,05 tấn CO2. Đây được coi là một trong những tỷ lệ tốt nhất trong lĩnh vực loại bỏ carbon.
Thỏa thuận với Microsoft sẽ giúp họ mở rộng mạng lưới với các nhà cung cấp rác thải từ hoạt động nông nghiệp, đô thị và sản xuất. Tuy không tiết lộ giá mua tín chỉ carbon, mức này sẽ ở vào khoảng 350 USD mỗi tín chỉ, mức trung bình của một tín chỉ CDR. Với mức giá này, ước tính Vaulted Deep sẽ thu về hơn 1,7 tỷ USD từ thương vụ.
Loại tín chỉ CDR đắt nhất là tín chỉ từ phương pháp thu giữ carbon trực tiếp từ không khí (DAC), với hơn 500 USD mỗi tCO2e. Một số loại rẻ hơn như sản xuất điện sinh khối thu hồi carbon (350 USD), biochar (hơn 100 USD).
Microsoft đang nỗ lực mua tín chỉ CDR, nhằm đạt mức phát thải carbon âm vào năm 2030. Năm 2024, công ty đã ký kết các hợp đồng dài hạn cho gần 22 triệu tín chỉ loại này, vượt tổng số tín chỉ của tất cả năm trước đó cộng lại, trong bối cảnh họ ngày càng tăng phát thải bởi hoạt động AI ngốn năng lượng. Các hợp đồng mua tín chỉ CDR của họ gồm nhiều công nghệ khác nhau như biochar, DAC, cô lập carbon trong đất và năng lượng sinh học kết hợp thu hồi và lưu trữ carbon (BECCS).
Bảo Bảo (theo Carbon Credits, Vaulted Deep)