Nhảy đến nội dung

Nhiều doanh nghiệp Nhật háo hức nhập vải thiều Việt Nam

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ nhiều thông tin về thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản trong chuyến thăm và làm việc tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

Chiều 20-5, trong chuyến thăm và làm việc tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, đã chia sẻ nhiều thông tin đáng chú ý về xu hướng thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản.

"Năm nay chúng tôi kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh hơn xuất khẩu quả vải sang Nhật. Rất nhiều doanh nghiệp Nhật đã liên hệ với thương vụ và háo hức chào đón đơn hàng. Họ hỏi thông tin như vải chín đến độ nào, khi nào có thể đưa sang.

Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với các bên để giới thiệu sớm", ông Tạ Đức Minh chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.

Nhiều tín hiệu tích cực

Theo ông Minh, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu quan trọng nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đảm bảo chất lượng ổn định mà còn phải linh hoạt thay đổi mẫu mã, bao bì theo thị hiếu người tiêu dùng.

Thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm tháng đầu năm 2025, nhờ nền tảng quan hệ chính trị ổn định và niềm tin giữa hai quốc gia, đặc biệt tình cảm nhân dân hai nước.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản như nông sản, thủy sản, lâm sản và đồ gỗ đều ghi nhận kết quả tích cực trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo ông Minh, mỗi nhóm hàng lại có những đặc điểm khác nhau, ảnh hưởng đến tính ổn định trong xuất khẩu.

"Đồ gỗ thường sản xuất theo đơn đặt hàng, có tiêu chuẩn kích thước cụ thể và ít biến động. Trong khi đó nông - thủy sản lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố mùa vụ và thời tiết", ông Minh phân tích.

Ông dẫn chứng trường hợp vải, mặt hàng nông sản được ưa chuộng tại Nhật Bản, năm ngoái gặp khó khăn do sản lượng thấp và giá cao, khiến lượng xuất khẩu bị hạn chế và giảm sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, ông bày tỏ kỳ vọng năm nay tình hình sẽ khả quan hơn, khi hiện nay đã có nhiều tín hiệu tích cực từ phía cầu với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chủ động liên hệ với Thương vụ để trao đổi thông tin, chuẩn bị kế hoạch nhập khẩu sớm phục vụ người tiêu dùng Nhật.

Không chỉ có vải cần chiến lược dài hơi

Ngoài vải thiều, ông Minh kỳ vọng các loại bưởi Việt Nam, không chỉ riêng bưởi da xanh, sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị phần tại Nhật Bản. Người tiêu dùng Nhật vốn ưa chuộng trái cây nhiệt đới với hương vị đặc trưng, như xoài cát chu loại đã có mặt tại các siêu thị Nhật.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh ngoài trái cây tươi, doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, như xoài sấy khô, sấy dẻo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng quanh năm và mở rộng thị phần sâu hơn.

Tại Nhật, công nghệ bảo quản lạnh tiên tiến cho phép duy trì độ tươi ngon của trái cây trong 6-9 tháng sau thu hoạch. Liệu công nghệ này có thể áp dụng tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh trái cây thường chín rộ theo mùa.

Dù công nghệ này yêu cầu chi phí đầu tư cao và chưa phổ biến ở Việt Nam, ông Minh cho rằng việc chuyển đổi tư duy của người dân và doanh nghiệp, từ trồng theo mùa vụ sang đầu tư vào hậu cần sau thu hoạch là yếu tố quan trọng để tiến xa hơn.

Để không chỉ phục vụ hơn 500.000 người Việt tại Nhật mà còn vươn tới thị trường hơn 120 triệu dân khó tính, ông Tạ Đức Minh khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần đầu tư nhiều hơn vào chất lượng, thương hiệu, và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch.

Chỉ khi "tinh hơn về chất lượng, mạnh hơn về công nghệ", nông sản Việt mới có thể phát triển bền vững tại những thị trường đòi hỏi cao như Nhật Bản.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn