Nhiều đề xuất để kết nối giao thông cho tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề xuất dự án đường cao tốc, đường bộ, đường sắt để tăng kết nối sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng – Bình Thuận – Đắk Nông.
Ngày 10-5, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã ký ban hành báo cáo về việc triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp trên địa bàn.
Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận - Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có diện tích lớn nhất cả nước với 24.233 km2. Tuy nhiên, hệ thống giao thông đường bộ kết nối giữa các địa phương còn nhiều khó khăn.
Tỉnh Lâm Đồng đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng điều chỉnh quy hoạch Quốc lộ 28 từ quy mô cấp IV lên quy mô đường cấp III - miền núi; hỗ trợ kinh phí để thực hiện đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 28 đoạn Gia Nghĩa - Đắk Som - Di Linh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 với tổng chiều dài khoảng 104 km, quy mô đường cấp III - miền núi.
Để bảo đảm kết nối giao thông liên tục, hình thành tuyến giao thông kết nối ngang giữa cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành với cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương, Đắk Nông và Lâm Đồng đã thống nhất trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với dự án tuyến đường động lực Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Bảo Lâm (Lâm Đồng) kết nối liên vùng Nam Tây Nguyên với Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Quy mô dự kiến tuyến đường này dự kiến xây dựng mới khoảng 10 km ((địa phận tỉnh Đắk Nông dài 3,5 km và tỉnh Lâm Đồng dài 6,5 km) đường cấp III - miền núi và 1 cầu lớn vượt sông Đồng Nai. Sau khi đầu tư hoàn thành, tỉnh kiến nghị nâng cấp thành Quốc lộ 55 nối dài. UBND hai tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư tuyến đường này từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026 – 2030.
Về đầu tư cải tạo, nâng cấp đường vào thủy điện Đồng Nai 4 qua địa bàn hai tỉnh (đã được quy hoạch là Quốc lộ 55) kết nối hai huyện Đắk Glong và Bảo Lâm, đoạn tuyến phía tỉnh Lâm Đồng đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và tiếp tục triển khai các thủ tục để thực hiện đầu tư dự án. Đối với đoạn tuyến phía tỉnh Đắk Nông có tổng chiều dài 12 km đã được UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo, đề xuất Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 để triển khai thực hiện.
Đối với quy hoạch, đầu tư cao tốc, hiện nay quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, chưa có tuyến đường bộ cao tốc Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận.
Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ đề xuất chủ trương và kiến nghị Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch đường cao tốc kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận, xây dựng trước năm 2030; tham mưu bố trí nguồn kinh phí thực hiện theo đúng quy định với tiêu chí bảo đảm kết nối Phan Thiết – Đà Lạt - Gia Nghĩa với khoảng cách ngắn nhất, tiết kiệm, thuận lợi và khả thi nhất.
Đối với đường sắt, quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt năm 2021 cũng chưa có tuyến đường sắt Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận.
UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ đề xuất chủ trương và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận, kết nối với tuyến đường sắt qua Tây Nguyên, đường sắt Bắc - Nam.