Nhiều bệnh da liễu xuất phát từ rối loạn tâm thần

"Bệnh da tâm thần ngày càng nhiều, thường liên quan lo âu, trầm cảm, loạn thần, ám ảnh cưỡng chế, đòi hỏi bác sĩ da liễu phải trang bị kiến thức để phát hiện, xử trí hiệu quả hơn cho bệnh nhân", PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Da Liễu TP HCM, nói tại hội nghị khoa học thường niên ngày 25/5 với chủ đề phối hợp liên ngành trong chuyên khoa da liễu.
Theo phó giáo sư Hào, các rối loạn da tâm thần được chia làm 4 nhóm. Đầu tiên là rối loạn tâm sinh lý, tương ứng với các tình trạng như viêm da cơ địa, vảy nến, mụn trứng cá, tăng tiết mồ hôi, lichen đơn mạn tính. Những bệnh lý này thường sẽ tăng nặng, bùng phát khi bệnh nhân có các vấn đề tâm thần.
Thứ hai, các rối loạn tâm thần nguyên phát như rối loạn bóc da, hoang tưởng nhiễm ký sinh trùng, viêm da tự tạo, tật nhổ tóc có thể khiến bệnh nhân tự gây tổn thương da. Những người này thực chất không mắc bệnh da liễu, mọi vết thương đều do hành vi xuất phát từ rối loạn tâm thần.
Bệnh viện Da Liễu TP HCM từng điều trị nhiều ca hoang tưởng nhiễm ký sinh trùng. Ví dụ, một người sau chấn thương lưng, đang được bồi thường bảo hiểm, tin rằng nhân viên bảo hiểm đã tiêm ấu trùng vào cơ thể. Người này tự dùng thuốc lá đốt vào da, lấy nhíp cố gắp "ấu trùng" ra, khiến da mặt và tay đầy sẹo.
Một trường hợp khác là người đàn ông trầm cảm, lo âu kéo dài sau đột quỵ dẫn đến liệt nửa người. Ông tự tạo các vết loét trên tay phải trong suốt 4 tháng. Bác sĩ xác định loét da tự tạo do ảnh hưởng trầm cảm. Ngoài chăm sóc vết loét, việc điều trị cần kết hợp thuốc kháng sinh, giảm viêm, hỗ trợ tâm lý và điều trị chuyên khoa.
Thứ ba, rối loạn tâm thần thứ phát bắt nguồn từ các bệnh da liễu như bạch biến, rụng tóc từng mảng, trứng cá nang. Những bệnh này gây stress, dẫn đến rối loạn tâm thần. Thường, vấn đề tâm thần sẽ xuất hiện sau các tổn thương da.
Cuối cùng, nhiều bệnh nhân gặp rối loạn cảm giác trên da, cảm thấy ngứa, bỏng rát, châm chích hay như có côn trùng bò dưới da, dù không có tổn thương thực thể.
Hiện nay, nhiều nước đã thành lập các phòng khám da - tâm thần để xử lý yếu tố tâm lý liên quan rối loạn da. Mô hình này giúp người bệnh được lắng nghe, giảm kỳ thị, tăng niềm tin vào điều trị. Các liệu pháp tâm thần có thể phá vỡ chu kỳ stress, giúp cải thiện bệnh da.
Trước số ca bệnh da tâm thần gia tăng, Bệnh viện Da Liễu TP HCM đã cử bác sĩ đào tạo chuyên khoa tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM. Nhờ đó, việc phát hiện, xử trí và quản lý bệnh da tâm thần hiệu quả hơn, giảm các chỉ định chuyển viện không cần thiết. Cách làm này đặc biệt hữu ích với những bệnh nhân không hợp tác, từ chối khám tâm thần.
Chủ tịch Hội Da liễu TP HCM cho rằng bác sĩ da liễu không chỉ chuyên về da mà cần "tư duy phối hợp" với nhiều chuyên ngành khác nhau, bởi "da không hoạt động một mình, bác sĩ da liễu cũng cần như vậy". Các bệnh lý da thường liên quan đến nhiều chuyên ngành khác nhau như bệnh tự miễn, tự viêm, rối loạn di truyền, dị ứng, tâm thần, nội tiết, lão khoa, nhiễm trùng, ung thư... Phối hợp liên ngành sẽ giúp chẩn đoán sớm bệnh, cải thiện kết quả điều trị, tăng sự hài lòng của bệnh nhân, giảm chuyển gửi không cần thiết, tối ưu hóa phác đồ điều trị cũng như giúp ích cho quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Lê Phương