Nhiều bạn đọc tranh luận trước đề xuất bỏ hình phạt tử hình một số tội danh

Đề xuất bỏ tử hình với một số tội danh như làm thuốc giả, vận chuyển trái phép chất ma túy... đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ bạn đọc.
Những ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại tổ chiều 20-5 về các dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ bạn đọc khi đại biểu cho rằng không nên bỏ tội tử hình với một số tội danh như nhận hối lộ, làm thuốc giả, vận chuyển trái phép chất ma túy...
Lo ngại bỏ tội tử hình có thể làm tình hình tội phạm phức tạp thêm
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) bày tỏ băn khoăn về việc đề xuất bỏ án tử hình đối với 4 tội: vận chuyển trái phép chất ma túy; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và phòng bệnh; tội tham ô và tội nhận hối lộ.
Theo bà Lan, hiện nay việc quản lý, xử lý 4 tội danh này chưa hiệu quả. Tình hình sản xuất ma túy, thuốc giả, tham ô, nhận hối lộ vẫn rất phức tạp. "Chúng ta nhân văn với tội phạm là độc ác với người dân lương thiện. Hãy nghĩ đến nỗi đau của các nạn nhân và gia đình họ, nhà mình có người chết làm sao chấp nhận được", bà nói.
Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng việc giảm hình phạt tử hình là xu thế nhân đạo, nhưng cần đảm bảo không làm suy yếu vai trò răn đe của pháp luật, nhất là tội xâm phạm quốc gia, ma túy...
Vì vậy, ông đề xuất chuyển từ án tử sang chung thân nhưng không giảm án, kèm điều kiện để thể hiện tính nghiêm minh.
Ý kiến của các đại biểu cũng tạo nên các luồng tranh luận khác nhau.
Nhiều người đồng tình việc giữ nguyên án tử hình thì mới ngăn chặn được tình trạng tội phạm đang gia tăng, nhưng cũng có quan điểm cho rằng không phải tử hình là giải quyết được tất cả.
Bạn đọc Hùng nêu quan điểm: Làm hàng giả, nhất là sữa giả là đầu độc cả một thế hệ, tử hình còn chưa hết tội, phải tịch thu toàn bộ tài sản.
Bạn đọc Thư cũng cho rằng quy định hiện nay các tội phạm này phải chịu án tử hình, song tình trạng làm thuốc giả, thực phẩm giả, ma túy, tham nhũng vẫn còn "nhan nhản". Vì vậy, bạn đọc lo ngại nếu bỏ tử hình thì số lượng tội phạm còn tăng cao hơn nữa.
Có cái nhìn khắt khe hơn với tội làm hàng giả, đặc biệt thực phẩm giả, bạn đọc Phạm Văn Thuyên nêu ý kiến: "Đối tượng buôn bán ma túy chỉ ảnh hưởng đến một số ít người, còn kẻ buôn bán hàng giả kể cả kẻ tiếp tay làm ngơ cho tội ác vì ảnh hưởng rất rộng. Không thể kể hết ra đây.
Vậy nên phải xây dựng thành luật và xử lý hơn cả tội buôn bán ma túy là mong muốn của người dân".
Bỏ án tử hình thể hiện tính nhân văn
Nhiều bạn đọc cũng có quan điểm khác khi cho rằng có thể bỏ án tử hình bằng án chung thân không giảm án.
Bạn đọc Nguyễn Duy Nhất cho rằng nếu áp dụng án chung thân dài hạn sẽ tạo ra cơ hội thức tỉnh lương tâm, để chuyển hóa tội ác bằng tâm thiện lành. Đây là một chính sách rất nhân đạo. Chuyển hóa chứ không sát hại. Còn tử hình là hết, không thấy sự sống tốt đẹp đang ẩn tàng trong họ.
Bạn đọc N.T.B. cho rằng mục đích của làm giả là lợi nhuận. Vì vậy, thay vì tử hình, chỉ cần tịch thu toàn bộ tài sản của cha mẹ, vợ chồng, con cái. Bởi nếu áp dụng tử hình mà tài sản còn nguyên thì họ vẫn làm với động cơ "hy sinh đời bố, củng cố đời con".
"Tịch thu của cha mẹ vì họ đã không dạy dỗ tốt con cái làm người. Tài sản của cha mẹ, con cái chỉ được xem xét để lại 1 căn nhà để duy trì cuộc sống nếu dám đứng ra tố giác" - bạn đọc nêu quan điểm.
Cùng đó, theo bạn đọc có tài khoản tran****@gmail.com, nếu những người phạm tội là người có tài và thực sự hối cải, muốn cuộc đời còn lại, sống cống hiến cho đất nước thực sự thì nên tạo điều kiện để quãng đời còn lại họ được sống ý nghĩa và quản lý chặt chẽ. Đó mới là chính sách nhân đạo.