Nhảy đến nội dung

Nhật Bản bị khách chê vì nhập cảnh tại sân bay quá lâu

Theo khảo sát của Cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA), hơn 50% người được hỏi hài lòng với trải nghiệm tại Nhật. Tuy nhiên, gần 10% ý kiến không hài lòng vì hàng chờ nhập cảnh quá dài, 15% gặp rào cản ngôn ngữ.

Theo đó, du khách gặp khó khăn ngay từ khi bước chân xuống sân bay như Narita, Haneda và các cảng hàng không lớn khác khắp nước. Các sân bay Nhật Bản đều chia làm hai làn: khách quốc tế và công dân. Trong khi làn làm thủ tục của người Nhật được xử lý nhanh chóng thì làn dành cho người nước ngoài rất lâu. Hành khách phải mất hàng giờ để làm thủ tục nhập cảnh.

"Đây là hệ quả của việc thiếu linh hoạt trong quy trình, cơ chế vận hành", chuyên gia tiếp thị du lịch Ashley Harvey, người sống 15 năm tại Nhật, nói. Ông cho biết thêm hệ thống tại Nhật không có tính linh hoạt nên khi đối mặt lượng khách tăng đột biến, giới chức sân bay thường bị lúng túng dẫn đến gây bức xúc cho khách vì phải đợi lâu.

Harvey cho rằng Nhật Bản đang tụt hậu so với nhiều điểm đến khác như Singapore hay Dubai, nơi hành khách có thể đăng ký trước và đi qua khu vực nhập cảnh tự động một cách suôn sẻ. Trong khi đó, quy trình tại Nhật vẫn bao gồm đo thân nhiệt, kiểm tra giấy tờ và làm thủ tục hải quan - mỗi phần do một bộ ngành khác nhau phụ trách.

Tình trạng quá tải đã được ghi nhận rõ nét vào đầu tháng 5. Tại sân bay Narita, trung bình cứ hai phút lại có một chuyến bay quốc tế hạ cánh, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhân viên nhập cảnh cảm thấy "quá tải" dù đã làm việc hết công suất. Nhiều thời điểm, hành khách phải xếp hàng dài 500 m, chờ tới hai tiếng, lâu hơn cả giai đoạn cao điểm dịch bệnh, mới được nhập cảnh.

Naomi Mano, Chủ tịch công ty chuyên phục vụ khách cao cấp Luxurique, cho rằng một phần nguyên nhân đến từ việc các sân bay được vận hành bởi những tổ chức bán công khác nhau, không theo chuẩn thống nhất. "Tôi vừa bay qua Narita và thấy mọi thứ ổn, nhưng không chắc lần tới đi Haneda có được như vậy không", bà nói.

Bà cho biết, dù Cơ quan Du lịch Nhật Bản đã bắt đầu khảo sát và lắng nghe ý kiến khách hàng, nhưng quá trình cải thiện có thể kéo dài. Họ sẽ viết báo cáo, thuê tư vấn, lập ngân sách nhưng những thay đổi thực tế thì ít nhất ba năm nữa mới thấy được.

Ngoài vấn đề gặp phải tại sân bay, 13% người được hỏi phàn nàn điểm tham quan tại Nhật quá đông và 22% cho rằng điểm đến cần bổ sung gấp các thùng rác ở nơi công cộng.

Việc thiếu thùng rác cũng là vấn đề gây tranh cãi. Phần lớn thùng rác công cộng đã bị gỡ bỏ từ năm 1995 sau vụ tấn công bằng khí sarin (chất độc thần kinh cực mạnh) của giáo phái Aum Shinrikyo tại Tokyo.

Tuy nhiên, theo bà Mano, không ít du khách lại thích thú việc thiếu thùng rác công cộng. Tokyo và Kyoto được xem là hai trong những thành phố sạch nhất thế giới. Ở Nhật, mọi người có thói quen mang rác về nhà thay vì bỏ lại nơi công cộng. Khi hiểu ra nét văn hóa này, nhiều khách quốc tế thay đổi thói quen và hành động giống người Nhật.

Dự kiến năm 2025, Nhật Bản có thể vượt mốc 40 triệu lượt khách quốc tế, cao hơn mức kỷ lục 36,9 triệu của năm trước. Tuy nhiên, nếu không cải cách nhanh chóng về hạ tầng và thủ tục hành chính, Nhật Bản có thể tự ghìm chân mình trong cuộc đua thu hút khách toàn cầu.

Anh Minh (Theo SCMP)