Nhảy đến nội dung
 

Nhà sản xuất nước ngoài: Phim Việt chiếu rạp là kinh dị, hài gia đình, thiếu tính phổ quát quốc tế

Phim thương mại Việt Nam chủ yếu tập trung vào hài gia đình và phim kinh dị, những thể loại có khả năng sinh lời ở thị trường nội địa nhưng khó vươn ra toàn cầu.

Nhà sản xuất, chuyên gia phát triển dự án quốc tế Charles Kim - ủy viên Liên hoan phim Truyền phát quốc tế Hàn Quốc (KISF) - có một phần chia sẻ khá tâm huyết, cho thấy ông có những tìm hiểu cặn kẽ thị trường Việt Nam trong hội thảo Phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp của Việt Nam.

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III), tới hết ngày 5-7 tại TP Đà Nẵng.

Trong bối cảnh công nghiệp điện ảnh toàn cầu đang gặp khó khăn, chỉ có ngành điện ảnh Việt Nam và Indonesia đang phát triển tốt. Nhưng để phát triển mang tính bền vững hơn, cần đổi mới hơn nữa.

Phim hài gia đình và phim kinh dị chiếm sóng

Ông Charles Kim chia sẻ trong thập kỷ qua, điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam đã tiến bộ nhanh chóng. Lượng khán giả tại rạp và trên các nền tảng số đang tăng, cùng với sự phát triển của các dự án sản xuất độc lập.

Tuy nhiên "điện ảnh thương mại Việt Nam đang chủ yếu tập trung vào hài gia đình và kinh dị, nhờ chi phí thấp và lợi nhuận nhanh.

Song những thể loại hoạt động tốt ở thị trường nội địa nhưng khó vươn ra toàn cầu do thiếu cảm xúc phổ quát hoặc khả năng tiếp cận", ông nói "để điện ảnh Việt Nam đi xa hơn, cần tích cực đa dạng hóa các thể loại".

Ông ví dụ, phim Hàn Quốc đạt thành công trong nước đầu những năm 2000 nhưng thường thất bại ở thị trường quốc tế vì sức hút đó chỉ mang tính địa phương. 

Trong khi đó, K-drama và K-pop xây dựng được lượng người hâm mộ toàn cầu nhờ những câu chuyện giàu cảm xúc phổ quát.

Charles Kim cũng dẫn lịch sử điện ảnh Hong Kong là một câu chuyện cần cảnh báo khác. Sự thống trị và xuất khẩu các ngôi sao hành động toàn cầu trong những năm 1980 - 1990 đã khiến điện ảnh nước này không tập trung làm mới nguồn nhân lực và tiếp tục sản xuất hàng loạt tác phẩm cùng công thức, dẫn đến hiện trạng như ngày nay.

Theo chuyên gia Hàn Quốc này, Việt Nam đang đứng ở ngã rẽ. "Điều cần thiết là đổi mới thể loại, phát triển cấu trúc cho các tài năng mới và xây dựng khung hợp tác sản xuất quốc tế", ông nhận định.

Chuộng các YouTuber và TikToker hơn những diễn viên được đào tạo

Ông Charles Kim cũng dành thời giờ nói về hệ sinh thái nội dung Việt Nam hiện tại.

Khán giả trẻ thường chuộng các YouTuber và TikToker hơn những diễn viên được đào tạo bài bản. Nội dung do influencer (người có ảnh hưởng) dẫn dắt liên tục tạo ra sự tương tác tức thì nhờ vào sự quen thuộc và dễ tiếp cận.

Song có một khoảng cách giữa tính chuyên nghiệp và sức hút đại chúng. Các influencer thống trị về khả năng thu hút ngắn hạn, nhưng thiếu lộ trình bền vững để phát triển kỹ năng diễn xuất hoặc làm phim. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp từ các trường điện ảnh gặp khó khăn trong việc chen chân vào các nhóm sản xuất thực tế.

"Làm sao để kết hợp hai lực lượng này? Mục tiêu không phải là những con số rating ngắn hạn hay lượng người theo dõi, mà là xây dựng các cấu trúc để tài năng thực sự có thể phát triển", ông đặt vấn đề.

Câu trả lời nằm ở một cấu trúc kết hợp đào tạo chính quy với sự linh hoạt của thời đại kỹ thuật số. Ông nói "cần thiết kế các hệ thống tạo ra một cuộc va chạm mang tính học hỏi hiệu quả giữa những nhà sáng tạo được đào tạo từ trường lớp và các influencer trên mạng xã hội".

Đừng quá phụ thuộc vào Netflix

Chuyên gia này đưa ra một số gợi ý để phát triển hệ sinh thái nội dung Việt Nam theo hướng bền vững hơn.

Trong điện ảnh, cần phát triển thể loại phim hành động, vì công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện chưa có một hệ thống sản xuất phim hành động tốt.

Đầu tư vào tài năng mới và hệ thống sản xuất; phát triển kể chuyện phổ quát, thu hút khán giả toàn cầu; phát triển ngôi sao lớn tạo sức hút; đồng thời cải thiện hệ thống giáo dục điện ảnh hiện tại. Có thể học hỏi kinh nghiệm thực tế từ Hàn Quốc, nơi đã phát triển "global system" (hệ thống toàn cầu) trong giáo dục điện ảnh.

Ông cũng lưu ý, đừng quá phụ thuộc vào các nền tảng toàn cầu như Netflix. Việt Nam nên có nền tảng của riêng mình, rồi hợp tác với họ.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn