Nhà cổ 226 tuổi ở TP.HCM ít người biết: Từng là nơi ở của Đức Cha Cả

Ẩn mình sau các nhà cao tầng, nhà nguyện gần 230 năm tuổi trong Tòa tổng giám mục TP.HCM được xem là nhà cổ nhất thành phố, là dấu tích hiếm hoi còn sót lại từ thế kỷ 18.
Chúng tôi đến Tòa tổng giám mục TP.HCM (180 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) vào một sáng giữa tháng 5.2025 để chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ trải qua hơn 2 thế kỷ. Chúng ta có thể đến đây bằng đường Nguyễn Đình Chiểu hoặc đường Trần Quốc Thảo.
Điều khiến chúng tôi trầm trồ là ngôi nhà mang đậm dấu tích cổ xưa, trầm mình lặng lẽ giữa những ngôi nhà cao tầng sầm uất. Nhà nguyện (nhà thờ nhỏ) được xây theo phong cách truyền thống, quay về hướng nam theo phong tục của người Việt.
Nhà cổ có ba gian hai chái kiểu Nam bộ, diện tích khoảng 136 mét vuông với nền nhà được lát gạch đỏ. Gian chính giữa đặt bàn thờ cầu nguyện, phía trên là khám thờ và có phòng nhỏ phía sau. 2 gian còn lại là khu vực dành cho giáo dân tham dự thánh lễ.
Cửa sổ cũng được làm xen kẽ liên tiếp để đón ánh sáng trời vào bên trong tòa nhà được sơn toàn bộ một màu đen tuyền. Hệ thống chiếu sáng được đặt trong những bóng đèn dầu ngày xưa, nhằm tạo không gian cổ cho căn nhà.
Để ý thấy, hầu hết các chi tiết bên trong đều được giữ nguyên bản và làm hoàn toàn bằng gỗ, các chi tiết được làm bằng kỹ thuật ghép mộng của người xưa (phương pháp truyền thống trong chế tác đồ gỗ, dùng để nối các chi tiết gỗ lại với nhau mà không cần dùng đinh vít hoặc keo - PV).
Bên trong nhà nguyện, mọi thứ được gìn giữ gần như nguyên vẹn: khám thờ cổ Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse; ghế gỗ xưa và những bức tượng Thánh đúc bằng thạch cao được chạm khắc tinh xảo đặt cao trên các thân cột.
Khung và cánh cửa đều được chế tác từ gỗ quý, chạm khắc tinh xảo với hoa văn rồng phượng đặc trưng. Mái ngói lợp gạch men hoa văn, nổi bật với tượng đôi rồng chầu Thánh được chạm nổi uy nghiêm trên đỉnh mái.
Nhà cổ hơn 2 thế kỷ vẫn giữ nguyên hồn cốt
Theo Tổng giáo phận TP.HCM, nhà nguyện cổ này có có tên gọi là Dinh Tân Xá và đã được chuyển chỗ 2 lần trước khi về địa chỉ hiện nay.
Ban đầu, Dinh Tân Xá là một ngôi nhà bằng tre lợp tranh được cất lên ở bờ bên phải kênh Thị Nghè, để giám mục Bá Đa Lộc (còn gọi là Đức Cha Cả) dạy Hoàng tử Cảnh (tên thật là Nguyễn Phúc Cảnh, con trưởng của Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long) học năm 1799.
Năm 1864, Thảo Cầm Viên Sài Gòn khởi công xây dựng thì ngôi nhà này dời về đường Alexandre de Rhodes (gần Dinh Độc Lập, Q.1).
Đến thế kỷ 20, khi Tòa tổng giám mục được xây dựng tại vị trí hiện nay, nhà nguyện được di dời lần thứ 3, an vị tại số 180 Nguyễn Đình Chiểu và tồn tại cho đến hôm nay.
Hiện nay, ngôi nhà là nơi dâng thánh lễ của các tín đồ Công giáo vào những ngày lễ nguyện. Vào chủ nhật hay các buổi sáng trong ngày, ngôi nhà mở cửa để dâng thánh lễ.
Ẩn mình giữa những công trình hiện đại, ngôi nhà nguyện nhỏ vẫn giữ được vẻ đẹp thuần khiết và tĩnh lặng. Trong khuôn viên Tòa tổng giám mục TP.HCM còn có tòa nhà chính mang đậm phong cách kiến trúc Pháp như đưa ta ngược dòng thời gian, chạm vào hình bóng một Sài Gòn xưa cũ.
Và rồi, khi tiếng chuông từ nhà cổ vang lên giữa phố phường đông đúc, người ta chợt nhớ rằng, ở TP.HCM vẫn có những ký ức rất sâu, rất thật, cần được bảo tồn như cách người xưa gìn giữ đức tin qua từng thế kỷ.