'Nhà cách cơ quan từ 30 km mới được hỗ trợ nhà ở xã hội là chưa hợp lý'

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định khoảng cách từ nơi ở đến nơi làm việc phải tối thiểu 30 km mới được xét hỗ trợ nhà ở.
Theo Chính phủ, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh trong thời gian qua đã phát sinh bất cập trong xác định diện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. Trước khi sáp nhập, nhiều người không có nhà tại nơi có dự án được xem là đủ điều kiện; nhưng sau khi sáp nhập, họ lại không còn đủ tiêu chí theo địa giới hành chính mới.
Do đó, Chính phủ đề xuất căn cứ điều kiện hành chính trước thời điểm sắp xếp để xét người được thụ hưởng chính sách. Người lao động có nhà ở nhưng làm việc xa nơi ở, nếu chưa từng mua, thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hỗ trợ nhà ở thì được xem xét hỗ trợ. Trường hợp đã có nhà, khoảng cách từ nhà ở đến nơi làm việc phải từ 30 km trở lên mới đủ điều kiện.
Tuy nhiên, đại biểu Dương Tấn Quân (Bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, quy định cứng khoảng cách 30 km là chưa hợp lý. Theo ông, ở thành thị, quãng đường 20-30 km đôi khi mất đến 2 giờ di chuyển do tình trạng ùn tắc.
Ông đề xuất nên xét linh hoạt theo hoàn cảnh thực tế, thay vì áp dụng cứng quy định về khoảng cách. Ngoài ra, cần mở rộng điều kiện hỗ trợ cho những người tuy đã có nhà ở nhưng sống chung nhiều thế hệ, diện tích bình quân dưới mức tối thiểu hiện hành (27 m2/người). Đồng thời, các cơ quan cần bổ sung tiêu chí phân loại theo tình trạng hôn nhân (độc thân hay có gia đình) để ưu tiên hợp lý.
Đại biểu Quân đề nghị Chính phủ sớm xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về nhà ở, đảm bảo minh bạch, liên thông, phục vụ xác minh điều kiện hưởng chính sách.
Cùng quan điểm, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng quy định cứng 30 km là không phù hợp với thực tế công tác luân chuyển của cán bộ. Bà đề xuất điều chỉnh theo hướng tính khoảng cách từ nơi ở hiện tại đến dự án nhà ở xã hội, đảm bảo tính khả thi khi triển khai.
Lo ngại khó thu hút đầu tư nếu siết lợi nhuận nhà ở xã hội
Dự thảo hiện quy định sau khi công trình được nghiệm thu, nếu giá bán thực tế thấp hơn giá đã ký hợp đồng thì chủ đầu tư phải hoàn trả phần chênh lệch cho người mua.
Đại biểu Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DABACO Việt Nam, không đồng tình với quy định này. Ông cho rằng quy định trên chỉ bảo vệ người mua nhưng đẩy rủi ro lớn cho nhà đầu tư, do họ phải định giá từ trước trong khi các yếu tố đầu vào như vật liệu, nhân công, lãi vay thường xuyên biến động.
Ông đề xuất cho phép xác định giá bán tạm tính dựa trên hồ sơ dự toán được thẩm định, đồng thời chỉ hoàn trả phần chênh lệch nếu vượt biên độ cho phép. "Trong phạm vi biên độ 5% thì không truy thu. Cách làm này vừa minh bạch, vừa giảm rủi ro, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội", ông nói.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, chuyên trách Ủy ban Kinh tế - Tài chính, cũng đề nghị bổ sung cơ chế giá trần để doanh nghiệp chủ động. Theo ông, thay vì kiểm toán chi tiết từng công trình như hiện nay, chỉ cần quy định mức giá trần, ai thấy phù hợp thì đầu tư, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí xã hội.
Trước đó, Bộ Tư pháp cũng từng nêu đề xuất về giá trần trong quá trình thẩm định dự thảo, song Bộ Xây dựng chưa đồng thuận. Hiện tại theo quy định, giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư xác định, bao gồm chi phí đầu tư, lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức không vượt quá 10%. UBND cấp tỉnh sẽ thẩm định, phê duyệt mức giá, không tính phần ưu đãi từ Nhà nước.
Sơn Hà - Anh Minh