Nhảy đến nội dung

Nhà báo Phạm Hoài Nam ở TP.HCM hơn 20 năm đi ‘viết’ nghĩa tình

Suốt cả một đời làm báo, nhà báo Phạm Hoài Nam (63 tuổi, Báo Sài Gòn Giải Phóng) không chỉ ghi dấu ấn với những tác phẩm báo chí sâu sắc mà còn gieo lại trong lòng bạn đọc hình ảnh một người luôn sống trọn vẹn với hai chữ nghĩa tình.

Nhà báo Phạm Hoài Nam luôn tâm niệm rằng: “Cho yêu thương, hạnh phúc tự tìm về”. Với ông, hành trình cầm bút luôn song hành với hành trình gieo nghĩa tình.

Hơn 20 năm qua, ông lặng lẽ trút cả trái tim và những phần thưởng danh giá nhất của nghề báo để góp phần dựng nhà, thắp sáng bản làng, chắp cánh ước mơ cho những phận người lam lũ. Điều đặc biệt, chính nghề báo đã đưa ông đến với những mối duyên thiện nguyện.

Nhà báo Phạm Hoài Nam - 10 năm giữ trọn một lời hứa

Những chuyến công tác đến các vùng đất còn khó khăn đều để lại trong lòng nhà báo Hoài Nam những day dứt không yên.

“Chính nghề báo đã đưa tôi đi, được nghe, được thấy, được rung cảm. Mỗi lần rời đi, tôi đều mang theo lời hứa là sẽ quay lại… không phải để làm báo nữa, mà để sẻ chia”, ông trải lòng.

Từ lời hứa ấy, hàng trăm chuyến đi nghĩa tình đã nối dài suốt hơn hai thập niên. Ông đã trích toàn bộ số tiền thưởng từ hơn 50 giải báo chí (trong đó có hơn 20 giải cấp Trung ương) để làm thiện nguyện.

Nhớ lại lần nhận giải thưởng Búa liềm vàng toàn quốc năm 2023, ông Nam trầm ngâm cho biết, đó không chỉ là một vinh dự nghề nghiệp, mà còn là cơ hội để ông thực hiện thêm một điều ý nghĩa cho những mảnh đời kém may mắn.

Ngay sau khi nhận giải, nhà báo Hoài Nam quyết định dùng toàn bộ số tiền thưởng hơn 70 triệu đồng để cùng các nhà hảo tâm xây tặng một căn nhà nhân ái cho bốn anh em mồ côi tại xã Ja Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.

Phần còn lại, ông dành mua gạo, quần áo gửi tặng bà con nghèo ở Tây Nguyên và dãy Trường Sơn, nơi ông cùng các đồng nghiệp đã gắn bó gần 20 năm trong hành trình chia sẻ khó khăn với đồng bào dân tộc.

Ông còn lặng lẽ góp công vào việc dựng bia phương danh cho 64 anh hùng, liệt sĩ Gạc Ma trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. “Biết ơn thế hệ người có công là cách để chúng ta sống trọn vẹn và yêu thương cuộc sống này” ông nói, giọng trầm ấm nhưng không giấu nổi xúc động.

Nhắc đến Trường Sơn, vùng đất in dấu bao bước chân anh hùng, ông Nam chậm rãi kể về một chuyến đi đã khắc sâu vào ký ức.

Từ năm 2009 đến 2014, ông là một trong những nhà báo theo sát chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức. Hành trình ấy đưa ông đến khắp các bản làng xa xôi, gặp gỡ những người lính, những người đồng bào vẫn ngày ngày bám bản, giữ rừng.

Ông nói, chính những lần chứng kiến cảnh thiếu thốn ở đây đã gieo trong lòng ông một lời hẹn. "Tôi đã tự nhủ, sẽ có một ngày quay trở lại để làm một điều gì đó thiết thực hơn cho mảnh đất này".

Và ông đã trở lại, đúng 10 năm sau. Tháng 4.2019, nhân kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn (1959 - 2019), ông quay lại tuyến lửa năm xưa với loạt bài Trường Sơn - 10 năm trở lại. Không chỉ là những dòng chữ mô tả đổi thay, loạt bài còn mang theo nỗi trăn trở của người từng lội qua những bản làng không có trạm xá đủ thuốc, không có ánh đèn khi đêm xuống.

“Có 12 trạm quân dân y dọc biên giới từ Nghệ An đến Huế mà đều thiếu thuốc men. Có nơi, bộ đội phải trích lương để mua thuốc chữa bệnh cho bà con”, ông bộc bạch.

May mắn thay, chính những bài báo ấy đã chạm tới trái tim nhiều người. Hơn 1 tấn hàng hóa thiết yếu và thuốc men sau đó được các tổ chức, cá nhân quyên góp gửi về cho đồng bào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và thành phố Huế.

Cũng trong thời gian này, chương trình "Tủ thuốc biên cương" được ra đời với gần 20 tủ thuốc mỗi năm được trao đến các trạm xá quân - dân y trên khắp các vùng núi cao biên giới Trường Sơn.

Trong những chuyến đi của mình, ông Nam luôn nhớ về hành trình đến bản Búng và bản Cò Phạt. Đây là hai bản làng heo hút nằm sâu trong lõi rừng Pù Mát (H.Con Cuông, tỉnh Nghệ An) và là nơi sinh sống của bộ tộc Đan Lai.

Năm 2009, trong một chuyến công tác viết bài về đời sống đồng bào vùng cao, ông cùng nhóm phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã vượt dòng sông Giăng để vào được bản.

Trở lại bản Búng, bản Cò Phạt vào năm 2019, ông mang theo cả tấm lòng và những món quà đầy thiết thực. Trước tình trạng bản vẫn chưa có điện, ông đã vận động các nhà hảo tâm quyên góp và hỗ trợ 1 máy phát điện để giúp người dân thắp sáng ngôi nhà nhỏ của mình sau mỗi chiều muộn.

Cũng từ nơi ấy, ông cùng đồng đội khởi xướng chương trình “Xuồng cứu sinh nơi vùng sâu biên giới”. Chiếc xuồng đầu tiên trị giá 40 triệu đồng được trao tặng Đồn biên phòng Môn Sơn để làm phương tiện cứu hộ, cấp cứu cho bà con Đan Lai ở bản Búng và bản Cò Phạt.

“Bản cách trở, mỗi lần có người đau nặng hay xảy ra tình huống khẩn cấp, người dân lại vô cùng vất vả. Có chiếc xuồng, việc cấp cứu trở nên thuận tiện hơn nhiều”, ông nói.

Tiếp nối chuỗi nghĩa tình lan tỏa suốt dọc Trường Sơn, đến năm 2020, chương trình tiếp tục mở rộng với thêm 8 xuồng cứu sinh được tặng cho các Đồn biên phòng tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Huế.

Người bạn đồng hành trên mọi hành trình

Ngẫm nghĩ về khoảng thời gian đã qua, ông Nam luôn khắc sâu trong tim sự đồng hành, sẻ chia và ủng hộ vô điều kiện từ người bạn đời của mình. Với ông, vợ không chỉ là người đồng hành, mà còn là hậu phương vững chắc, là nguồn động lực to lớn giúp ông vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên con đường mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

“Từ những chuyến công tác nghĩa tình trải dài khắp đại ngàn Trường Sơn, Tây nguyên, đến vùng trung du Phú Thọ, Tây Bắc… bà ấy đều đồng hành với tôi. Chúng tôi tình cờ gặp gỡ nhau trong một buổi tiệc hàng chục năm trước và gắn bó đến tận bây giờ cũng vì chung chí hướng đó. Giờ đây khi tuổi ngày càng lớn, hai vợ chồng vẫn tiếp tục cùng nhau làm thiện nguyện, đi phượt đây đó cho đời thêm vui”, ông Nam bộc bạch.

Còn nhớ sau trận lũ càn quét miền Trung khủng khiếp vào năm 2020, vợ chồng ông Nam đã cùng nhau ra tâm lũ cứu nạn mà chẳng màng hiểm nguy. Hay chuyến tàu đưa người dân từ TP.HCM về quê trong tâm dịch Covid-19, vợ chồng ông cũng cùng nhau “vào sinh ra tử”, quyết tâm đưa bà con về nhà an toàn.

Nhìn lại chặng đường 30 năm gắn bó máu thịt với Báo Sài Gòn Giải Phóng, đến nay nhà báo Hoài Nam luôn giữ trọn vẹn ngọn lửa đam mê với nghề. Bản thân ông quan niệm, tuổi tác không phải là giới hạn cho sự sáng tạo, đam mê của con người. Chỉ cần ông còn khỏe, còn sức, ông vẫn sẽ còn cống hiến. Những giải thưởng báo chí lớn nhỏ nhiều năm qua chính là minh chứng cho sự nỗ lực của ông, vừa là “điều kiện” để ông giúp đỡ thêm được nhiều mảnh đời, nhiều vùng đất khó khăn.

Nhà báo Hoài Nam nói với chúng tôi, nghề báo đã mở ra cho đời ông nhiều cơ hội và nhiều chuyến đi mà trong mơ ông cũng chưa từng nghĩ đến. Suốt hơn 30 năm cầm bút, ông ít khi giữ lại cho riêng mình một đồng tiền thưởng nào từ hơn 50 giải báo chí.

Ông đã dùng số tiền thưởng có được để mua những tấm áo ấm, áo đẹp ngày tết gửi đến người khó ở khắp các bản làng xa của Trường Sơn, Tây nguyên, Tây Bắc, vùng bão lũ thiên tai ở mọi miền đất nước.

Ngay tại TP.HCM, ông và vợ cũng thường xuyên tổ chức những phiên chợ 0 đồng, nồi cháo yêu thương ở Bệnh viện TP.Thủ Đức, trao tặng hàng ngàn phần quà cho người khuyết tật, neo đơn ở khắp các khu xóm lao động, khu trọ công nhân mỗi dịp tháng 7 Vu Lan và Tết Nguyên đán.

Không chỉ là một nhà báo tận tâm, một người làm thiện nguyện hết mình, nhà báo Phạm Hoài Nam còn là một tấm gương truyền lửa nghề đầy nhiệt huyết cho các bạn trẻ.

Bản thân nhà báo Phạm Hoài Nam luôn tâm niệm rằng, để đạt được bất kỳ thành công nào, niềm tin là yếu tố then chốt. Và ngọn lửa niềm tin ấy, trước hết phải được xây dựng từ bên trong mỗi con người. Ông đã chứng minh điều đó bằng chính cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Ông thường chia sẻ với các bạn trẻ: "Trong công việc cũng như trong cuộc sống, hãy luôn giữ vững niềm tin vào bản thân và những điều mình đang làm. Đã từng có giai đoạn gặp bạo bệnh, nếu không có niềm tin có lẽ tôi không sống được đến hôm nay. Và đừng bao giờ quên trân trọng những người luôn ở bên cạnh, ủng hộ và yêu thương bạn. Họ chính là nguồn sức mạnh vô giá giúp bạn vượt qua mọi thử thách".

Với nhà báo Phạm Hoài Nam, nghề cầm bút là một công việc đầy ý nghĩa. Nhìn lại hành trình đã qua, ông không nói nhiều về những gì mình làm được. Thứ ông thường nhắc là niềm tin, rằng khi sống bằng nghĩa tình, hạnh phúc rồi sẽ tự tìm đến. Có lẽ cũng vì thế mà suốt bao năm qua, nhà báo Phạm Hoài Nam vẫn luôn lặng lẽ giữ trọn những lời hứa với nghề, với đời…