Nguy cơ nhiễm sán dây lợn khi ăn lòng se điếu - Báo VnExpress

Nhiễm sán dây lợn là bệnh ký sinh trùng có khả năng truyền nhiễm giữa động vật và người. Ăn thịt lợn, lòng lợn chưa được nấu chín kỹ khiến giun sán vẫn tồn tại trong thực phẩm và lây nhiễm cho con người.
TS.BS Lê Xuân Luật, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết lòng se điếu là một phần đặc biệt ruột non của lợn nên có nguy cơ chứa giun sán cao, đặc biệt là khi chế biến không đảm bảo vệ sinh. Bởi sán dây lợn sống ký sinh ở phần trên trong ruột non. Nhiễm sán lợn kéo dài dẫn đến rối loạn tiêu hóa, suy giảm sức khỏe và cơ thể dần trở nên suy kiệt.
Sán tấn công vào tim và não có thể để lại biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe. Nếu nang sán di chuyển và ký sinh trong não, người bệnh có thể bị biến chứng thần kinh như viêm màng não, có thể co giật, liệt tay, liệt chân, động kinh. Người bệnh cũng có thể nói ngọng, đau đầu dữ dội và loạn trí nhớ. Nang sán xuất hiện trong mắt có thể gây ra tình trạng giảm thị lực, tăng nhãn áp hoặc thậm chí mù lòa. Nhiễm sán lợn thường không có triệu chứng rõ ràng nên không phát hiện và điều trị y tế kịp thời.
Bác sĩ Luật khuyến cáo cần làm sạch lòng se điếu qua các bước như rửa sạch, xát muối, dùng chanh chà xát để loại bỏ hết ký sinh trùng như giun sán ra khỏi lòng lợn. Trứng và ấu trùng sán bị tiêu diệt khi được nấu chín ở nhiệt độ trên 75 độ C trong khoảng 5 phút hoặc đun sôi liên tục với nhiệt độ 100 độ C trong vòng 2 phút.
Ăn lòng se điếu không rõ nguồn gốc, chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng có thể khiến cho cơ thể bị nhiễm vi khuẩn có hại như Salmonella, E.coli và Listeria monocytogenes. Lòng ngâm hóa chất với nồng độ cao có thể gây ung thư hoặc ngộ độc cấp, theo bác sĩ Luật.
Thanh Ba
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |