Nguy cơ Ấn Độ - Pakistan sa vào vòng xoáy bạo lực sau cuộc tập kích

Ấn Độ rạng sáng 7/5 phóng tên lửa vào 9 địa điểm ở Pakistan và vùng lãnh thổ Kashmir do Pakistan kiểm soát nhằm đáp trả vụ xả súng khiến 26 khách du lịch thiệt mạng ở Pahalgam thuộc Jammu và Kashmir hai tuần trước. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết lực lượng của họ tập kích những cơ sở mà các "nhóm khủng bố" đã sử dụng để tiến hành vụ tấn công vào Pahalgam.
Không quân Ấn Độ đã huy động nhiều khí tài hiện đại, trong đó có tiêm kích đa năng Rafale mang tên lửa hành trình tàng hình SCALP-EG và bom dẫn đường tăng tầm AASM Hammer cùng các loại đạn tuần kích. Tọa độ mục tiêu được các cơ quan tình báo Ấn Độ cung cấp cho lực lượng tham gia chiến dịch.
Hình ảnh được truyền thông công bố cho thấy khoảnh khắc loạt tên lửa lao xuống mục tiêu, tạo ra những quầng lửa lớn và tiếng nổ dữ dội. Pakistan cho hay ít nhất 26 người thiệt mạng trong đòn tấn công này.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định đây là chiến dịch "có trọng tâm, tính toán, không leo thang", đồng thời nhấn mạnh đã tránh mọi cơ sở quân sự của Pakistan. Tuy nhiên, Ấn Độ dường như đã hứng chịu thiệt hại nặng, khi Ahmed Sharif Chaudhry, phát ngôn viên quân đội Pakistan, cho hay họ đã bắn hạ 5 tiêm kích Ấn Độ, trong đó có mẫu Rafale trị giá hơn 100 triệu USD.
Ashley Tellis, chuyên gia địa chính trị châu Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định cuộc đối đầu hiện tại là thất bại của nỗ lực ngoại giao và nhiều khả năng sẽ thúc đẩy Pakistan có phản ứng đáp trả. "Cuộc tập kích đã mở ra chiếc hộp Pandora", Tellis nói, nhắc tới sự tích về chiếc hộp kỳ bí chứa bất hạnh, thiên tai, chiến tranh trong thần thoại Hy Lạp.
Trong những ngày qua, nhiều nỗ lực ngoại giao được thực hiện nhằm thuyết phục hai nước hạ nhiệt căng thẳng sau vụ xả súng ở Pahalgam.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần qua thúc giục hai nước xuống thang. Trong cuộc điện đàm ngày 30/4, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đề nghị người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar làm việc với Bộ Ngoại giao Pakistan để "giảm leo thang và duy trì hòa bình, an ninh".
Cùng ngày, các quan chức Pakistan cũng trao đổi với Mỹ, khẳng định họ không chỉ đạo cuộc tấn công vào khách du lịch ở Kashmir và kêu gọi Mỹ dẫn đầu cuộc điều tra quốc tế về sự việc. Dù vậy, cam kết này không xoa dịu được Ấn Độ.
Ngoại trưởng Jaishankar nói với ông Rubio rằng Pakistan "phải trả giá" và Ấn Độ sẽ sớm tấn công nước láng giềng, theo hai nhà ngoại giao biết về cuộc nói chuyện. Ông Jaishankar thêm rằng Ấn Độ sẽ quyết định có đáp trả hay không tùy thuộc vào phản ứng của Pakistan.
Đòn tập kích của Ấn Độ cho thấy các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng đã không thành công, và việc Mỹ hỗ trợ cuộc điều tra vụ xả súng ở Pahalgam nhiều khả năng sẽ không xảy ra, khi quan hệ giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á đang đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh lớn.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif gọi cuộc không kích của Ấn Độ là "hành động chiến tranh" và tuyên bố nước này "có đầy đủ quyền đáp trả mạnh mẽ", nhưng không nêu chi tiết.
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif cũng nói trên truyền hình quốc gia rằng "Ấn Độ đã tấn công dân thường", hành động này "sẽ bị đáp trả tương xứng". Thủ tướng Sharif sau đó tuyên bố cho phép quân đội "thực thi quyền đáp trả để tự vệ tại thời điểm, địa điểm và cách thức họ lựa chọn".
Husain Haqqani, thành viên cấp cao tại Viện Hudson ở Washington và là cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ, cho rằng sau đòn không kích của Ấn Độ và sự sục sôi trong dư luận nước này, Pakistan nhiều khả năng sẽ cảm thấy buộc phải đáp trả bằng cách nào đó.
Quân đội Pakistan đã pháo kích lãnh thổ Ấn Độ tại khu vực Jammu và Kashmir, dường như nhằm vào một số doanh trại và sở chỉ huy lữ đoàn, nhưng chưa rõ kết quả cụ thể. Hiện chưa rõ hành động pháo kích này có được coi là "đáp trả tương xứng" hay không.
"Hai bên liệu có bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực trả đũa nhau hay không? Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn", ông Haqqani cảnh báo.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 7/5 bày tỏ "rất quan ngại" về các cuộc tấn công và kêu gọi "kiềm chế quân sự tối đa từ cả hai nước". Ông đề nghị đối thoại song phương, giải quyết bất đồng liên quan khu vực Kashmir và nguy cơ khủng bố xuyên biên giới bằng biện pháp hòa bình.
Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế tối đa, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng "mọi chuyện kết thúc rất nhanh chóng".
"Cả Ấn Độ và Pakistan đều có vũ khí hạt nhân, nên bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào cũng rất nguy hiểm dù có hạn chế sử dụng vũ lực đến đâu", Michael Kugelman, nhà phân tích Nam Á tại Washington, nói. "Cả hai nước đều không muốn xảy ra chiến tranh, nhưng không nên chủ quan về nguy cơ tính toán sai lầm".
Lần gần nhất Ấn Độ tấn công vào lãnh thổ Pakistan ngoài khu vực tranh chấp Kashmir là vào năm 2019. New Delhi khi đó triển khai chiến đấu cơ không kích nhiều mục tiêu sau khi cáo buộc Islamabad đứng sau vụ đánh bom xe tự sát khiến ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng tại Kashmir.
Lực lượng Pakistan đã bắn hạ một tiêm kích và bắt phi công Ấn Độ làm tù binh. Căng thẳng hạ nhiệt sau khi hai nước đàm phán trả tự do cho phi công này.
Sau đòn không kích hôm nay, Pakistan đã đóng cửa không phận với các hãng hàng không Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ đã yêu cầu công dân Pakistan ở nước này rời đi và yêu cầu cắt giảm số nhân viên của phái đoàn ngoại giao Pakistan.
"Ngay cả khi không có chiến tranh, quan hệ hai nước đang chứng kiến giai đoạn tồi tệ nhất", ông Haqqani nói.
Manal Fatima, thành viên cấp cao của Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cảnh báo một cuộc xung đột toàn diện nếu nổ ra sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào cho cả hai bên.
"Hành động quân sự sẽ gây tổn hại cho mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài của Pakistan. Ấn Độ, quốc gia đang xây dựng hình ảnh như cường quốc kinh tế toàn cầu mới nổi, cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu bất ổn xảy ra. Trong khu vực có vũ khí hạt nhân, cái giá của leo thang dù là vô tình hay cố ý là không thể đong đếm được", Fatima cho hay.
Alex Plitsas, thành viên cao cấp không thường trực của Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft, cho rằng hai bên đều sẽ tránh những hành động làm bùng phát chiến tranh, khi họ đều hiểu được năng lực hạt nhân của đối phương và chịu áp lực từ Mỹ cùng Liên Hợp Quốc.
"Các kênh ngoại giao vẫn mở và tiền lệ trong lịch sử cho thấy cả hai đều thường giảm leo thang sau những hành động quân sự hạn chế", Plitsas nói.
Thùy Lâm (Theo WSJ, Washington Post, Atlantic Council)