Người trẻ chọn sống chung nhưng không đụng chạm, lấy nhau làm bình phong

NHẬT BẢN - Những năm gần đây, nhiều cặp đôi quyết định kết hôn để sống chung nhưng không quan hệ tình dục vì nhiều lý do cá nhân khác nhau.
Đã 3 năm kể từ khi Satsuki và Minato ở Chugoku, đồng ý bước vào một cuộc "hôn nhân bình phong" không tình dục.
Theo Kyodo News, Satsuki thuộc cộng đồng LGBTQ+, không có tình cảm với đàn ông. Vì che giấu sự thật, Satsuki bị mẹ thường xuyên thúc giục lấy chồng khi cô sắp chạm ngưỡng 30. Còn Minato thích sống độc thân nhưng bố anh muốn "bế cháu".
Năm 2019, cả hai biết nhau qua một diễn đàn trực tuyến. Sau khi tìm hiểu, Satsuki và Minato dọn về ở chung và ra mắt 2 bên gia đình. Họ đăng ký kết hôn vào tháng 11/2021. Hai năm sau, Satsuki sinh con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Cả Satsuki và Minato đều thừa nhận họ không phải "gu của nhau". Họ không có bất kỳ tiếp xúc thân mật nào nhưng vẫn sống chung và sinh hoạt như một gia đình.
Satsuki mô tả bạn đời của mình là "một người anh họ xa". Còn Minato gọi vợ là "chiến hữu ở cùng". Bố mẹ 2 bên đều không biết bản chất thật của mối quan hệ này.
Theo số liệu của Colorus Friendship Marriage, công ty môi giới hôn nhân tại Tokyo, trong vòng 10 năm qua, đã có 316 cặp đôi tiến tới hôn nhân kiểu bình phong.
Arisa Nakamura, giám đốc công ty, cho biết đa số đàn ông tìm tới những cuộc hôn nhân kiểu này là người đồng tính, trong khi 90% phụ nữ là những người không có ham muốn tình dục.
Lý họ họ chọn hôn nhân kiểu bình phong thường là để tìm người sống cùng hoặc làm phụ huynh yên lòng.
"Khoảng 80% các cặp vợ chồng này sau đó chia sẻ với chúng tôi rằng, họ có cuộc sống hạnh phúc nhờ các thảo luận chi tiết trước hôn nhân về các vấn đề như chi phí, công việc nhà và sở thích cá nhân", bà Nakamura tiết lộ.
Giáo sư Hiroyuki Kubota tại Đại học Nihon, nhận định dù các trào lưu mới đang lan rộng, song quan niệm truyền thống rằng nam nữ nên kết hôn và sinh con vẫn chiếm ưu thế do hôn nhân đồng giới chưa được công nhận.