Người phụ nữ mắc hội chứng 'trái tim tan vỡ' - Báo VnExpress

ThS.BS Nguyễn Tuấn Long, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bà Thuật có đoạn ST chênh lên, men tim tăng, các triệu chứng lúc nhập viện giống nhồi máu cơ tim song kết quả chụp CT mạch vành không có tắc nghẽn. Phần đỉnh tim bị giãn rộng và co bóp yếu, trong khi các vùng khác vẫn bình thường.
Bác sĩ chẩn đoán bà Thuật mắc hội chứng "trái tim tan vỡ", chỉ định điều trị nội khoa, dùng thuốc ổn định huyết áp, hỗ trợ tim co bóp kết hợp theo dõi tại bệnh viện. Sau khi tình trạng ổn định, bà Thuật được chăm sóc tâm lý và kiểm soát các yếu tố gây căng thẳng, phục hồi sau vài tuần.
Hội "chứng trái tim tan vỡ" còn có tên gọi khác là hội chứng Takotsubo, bệnh cơ tim do căng thẳng - một dạng suy tim cấp tính tạm thời. Bệnh thường xảy ra sau một cú sốc cảm xúc (mất người thân, bị phản bội, ly hôn, căng thẳng cực độ, sợ hãi, hoảng loạn kéo dài...) hoặc tổn thương thể chất mạnh (tai nạn, phẫu thuật...). Người bệnh dễ bị biến chứng suy tim cấp, phù phổi, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp kéo dài, sốc tim nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.
Bác sĩ Long giải thích khi cơ thể phải đối mặt với cú sốc cảm xúc quá mạnh, hệ thần kinh giao cảm kích hoạt phản ứng stress cấp tính. Hàng loạt hormone căng thẳng, đặc biệt là catecholamine như adrenaline và noradrenaline, được giải phóng ồ ạt vào máu. Sự gia tăng đột ngột và quá mức của các hormone này gây ra nhiều tác động tiêu cực như co thắt các nhánh mạch máu nuôi tim (động mạch vành), làm suy giảm khả năng co bóp của cơ tim. Vùng đỉnh của thất trái, nơi dễ tổn thương nhất, có thể bị "choáng". Trạng thái này giống như việc trái tim bị "đánh gục" bởi một cú đòn quá mạnh về mặt tinh thần.
Theo bác sĩ Long, bệnh nhân gặp hội chứng "trái tim tan vỡ" thường xuất hiện các triệu chứng giống với nhồi máu cơ tim, song có một số điểm giúp phân biệt hai tình trạng này. Cả hai đều có thể khởi phát đột ngột với cảm giác đau ngực dữ dội và khó thở. Tuy nhiên, ở hội chứng "trái tim tan vỡ", cơn đau thường xảy ra sau một sự kiện căng thẳng về cảm xúc như mất người thân hoặc cú sốc tinh thần, trong khi nhồi máu cơ tim thường liên quan đến gắng sức hoặc xuất hiện tự phát do tắc nghẽn mạch vành.
Người mắc hội chứng "trái tim tan vỡ" có thể cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh, choáng váng hoặc ngất nhẹ do rối loạn vận mạch, nhưng lại ít gặp các triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim như vã mồ hôi lạnh hay buồn nôn. Hội chứng này xảy ra chủ yếu ở phụ nữ lớn tuổi sau mãn kinh, trong khi nhồi máu cơ tim thường gặp ở nam giới trung niên trở lên. Siêu âm tim và chụp CT mạch vành giúp phát hiện chính xác bệnh.
Bác sĩ khuyên không nên chủ quan khi xảy ra đau ngực, khó thở sau một cú sốc tinh thần. Lúc này cân bằng cảm xúc rất quan trọng. Mọi người có thể thiền, tập yoga hoặc nhờ đến chuyên viên tư vấn tâm lý. Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, hạn chế sử dụng rượu bia, bỏ hút thuốc lá... giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và bảo vệ hệ tim mạch.
Ly Nguyễn
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |