Nhảy đến nội dung
 

Người phụ nữ gửi tiết kiệm 21,4 tỷ đồng, sau 20 năm con trai đến rút tiền được ngân hàng thông báo: “Sổ tiết kiệm của mẹ anh không có hiệu lực”

Sau 20 năm gửi tiết kiệm, người đàn ông Trung Quốc vô cùng bức xúc khi được ngân hàng thông báo cuốn sổ tiết kiệm của mẹ mình là giả.

Năm 2013, mẹ của anh Lưu Hải Bân – một cán bộ ngân hàng kỳ cựu ở Giang Tô, Trung Quốc, lâm bệnh nặng. Trước lúc qua đời, bà đã dặn anh rằng có một chiếc hộp sắt quan trọng giấu trên gác mái của căn nhà cũ. Tuy nhiên, vì bận rộn công việc, anh Lưu đã quên mất điều này. 

Mãi đến đầu năm 2015, khi được điều chuyển công tác từ thành phố Giang Âm (nơi anh đã làm việc hơn 20 năm) đến Thành Đô, Tứ Xuyên, anh Lưu quay về quê thu dọn đồ đạc của mẹ thì tìm thấy chiếc hộp sắt nằm khuất trong một góc nhà. Bên trong là cuốn sổ tiết kiệm 6 triệu NDT (hơn 21,4 tỷ đồng), được gửi từ ngày 7/2/1994, có kỳ hạn một năm với lãi suất 10% tại Ngân hàng Thương mại Nông thôn Giang Âm.

Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, nếu người gửi tiền không rút tiền sau khi đáo hạn, ngân hàng sẽ tự động tái tục theo kỳ hạn mới với mức lãi suất hiện hành. Như vậy, số tiền gửi của mẹ anh Lưu có thể đã tăng lên 8 triệu NDT (hơn 28,6 triệu đồng) sau hơn 20 năm.

Sau khi xác nhận lại với cha của mình, anh Lưu tin tưởng vào tính xác thực của cuốn sổ tiết kiệm này. Vì là người trong ngành ngân hàng, anh Lưu đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ pháp lý để đến ngân hàng rút tiền. Tuy nhiên, khi người đàn ông này đến Ngân hàng Thương mại Nông thôn Giang Âm, mọi việc lại rẽ theo hướng không ai ngờ. 

Theo đó, nhân viên ngân hàng sau khi xem qua những giấy tờ mà anh Lưu mang tới thì thông báo rằng cuốn sổ tiết kiệm của mẹ anh là giả, không có hiệu lực nên không thể rút tiền. Điều đáng nói hơn là khi anh Lưu yêu cầu được biết lý do và đòi lại sổ tiết kiệm, giám đốc ngân hàng họ Vương đã xé nát giấy tờ trước mặt anh.

Quá tức giận, anh Lưu đe dọa sẽ kiện ngân hàng ra tòa, thế nhưng ngân hàng lại bất ngờ đi trước một bước, nộp đơn tố cáo anh với tội làm giả chứng chỉ tiền gửi. Trước toà, phía ngân hàng đưa ra 3 lý do khiến họ nghi ngờ hành vi của anh Lưu: Thứ nhất, từ năm 1994, tất cả chứng từ tiền gửi, sổ tiết kiệm của ngân hàng đã được in máy tính, trong khi sổ tiết kiệm của anh Lưu đưa là viết tay. Thứ hai, chữ ký và con dấu trên giấy mờ nhòe, không rõ ràng. Thứ ba, nhân viên cũ của ngân hàng không ai xác nhận từng xử lý khoản tiền gửi lớn như vậy.

Trước cáo buộc của ngân hàng, anh Lưu khẳng định cuốn sổ tiết kiệm đó là thật và đưa ra các bằng chứng về thân nhân và di sản. Người đàn ông này cũng cáo buộc ngân hàng tùy tiện hủy tài sản của mẹ mình.

Vụ kiện được đưa ra xét xử vào cuối năm 2015. Vì sổ tiết kiệm gốc đã bị xé nát, tòa án địa phương không thể xác định được giấy tờ trên là thật hay giả. Cả hai bên đều được tuyên vô tội vì thiếu chứng cứ buộc tội rõ ràng.

Dẫu vậy, vụ việc này khiến anh Lưu bị ảnh hưởng rất nhiều. Đơn vị nơi anh làm việc viện dẫn vụ việc để cho anh thôi việc, đồng thời đưa anh vào danh sách đen trong ngành ngân hàng. Năm đó, anh Lưu mới 45 tuổi đã mất cả sự nghiệp chỉ vì một cuốn sổ tiết kiệm không được xác minh rõ ràng.

Cho đến nay,  Lưu Hải Bân vẫn kiên trì theo đuổi các thủ tục pháp lý với mong muốn làm rõ giá trị pháp lý của chứng chỉ tiền gửi trị giá 6 triệu NDT – di sản cuối cùng mà mẹ anh để lại. Câu chuyện này sau khi được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng Trung Quốc, không chỉ vì giá trị khoản tiền, mà còn bởi những khía cạnh pháp lý và quy trình xử lý của ngân hàng liên quan.

Một luật sư tại tỉnh Giang Tô nhận định, vụ việc còn nhiều vấn đề cần được làm rõ, chẳng hạn như: Vì sao chứng chỉ tiền gửi có chữ ký, con dấu và thông tin cụ thể lại bị xem là giả mà không qua giám định của cơ quan chuyên môn? Trong trường hợp đó, ngân hàng có quyền xử lý giấy tờ của khách hàng như thế nào? Và nếu không còn bản gốc, khách hàng sẽ dựa vào đâu để chứng minh quyền sở hữu tài sản của mình?

Cũng theo vị luật sư này, vụ việc là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc hoàn thiện các quy trình kiểm tra, lưu trữ và giải quyết tranh chấp tại các tổ chức tài chính. Việc tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm trong xử lý tài sản khách hàng sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng và hạn chế phát sinh những tình huống đáng tiếc tương tự.

(Theo 360doc.com)