"Người mẹ trong truyền thuyết" và câu chuyện trăm bài văn tả mẹ như một

(Dân trí) - Bức chân dung vẽ "người mẹ trong truyền thuyết" được chia sẻ khắp mạng xã hội khiến kí ức thời học sinh của thế hệ 8x ùa về, bởi chỉ cần nhìn tranh là đọc ra cả bài văn mẫu "kinh điển".
Bức tranh chân dung rất đặc biệt này có dòng chú thích "trung bình nhan sắc khi tả mẹ và cô giáo em tại Việt Nam".
Gương mặt người phụ nữ trong tranh được vẽ theo đúng mô tả trong những bài văn "kinh điển" của thế hệ học sinh chịu ảnh hưởng bởi văn mẫu, đặc biệt là giai đoạn thập niên 90.
Từ những câu văn sao chép "trăm bài như một", mẹ và cô giáo của tất cả các học sinh đều giống hệt nhau với những đặc điểm ngoại hình rất đặc trưng: mặt trái xoan, mũi dọc dừa, môi trái tim, hàm răng trắng đều như hạt bắp, mắt bồ câu, lông mày lá liễu, má đào, lúm đồng tiền, tóc mềm như suối chảy, cổ cao như cây tre trăm đốt.
Anh Nguyễn Văn Minh (43 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) bật cười khi nhớ lại bài văn tả mẹ, tả cô của mình cách đây hơn 30 năm.
"Ban đầu, bài văn tả mẹ của tôi chân thật lắm. Tôi tả đúng những gì mình thấy về mẹ: "Mẹ em béo, da mẹ em đen, mắt mẹ em đen, mũi mẹ em tẹt". Kết quả cô cho 2 điểm, bắt viết lại.
Sau khi viết lại theo hướng dẫn của cô, mẹ tôi hiện ra hệt như bức tranh này với dáng người tầm thước, dáng đi khoan thai, làn da trắng ngần, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, môi trái tim, mỗi khi cười mẹ để lộ hàm răng trắng đều như hạt bắp...
Tôi nhớ cho đến khi em họ tôi học lớp 5, khoảng 15 năm sau đó, mẹ của em họ tôi cũng được tả y như thế, không khác gì", anh Minh chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Tô Mạnh Linh (22 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, dù thuộc thế hệ Gen Z, anh cũng được dạy viết văn tả mẹ giống như bức ảnh biếm họa nói trên.
"Tôi nhớ là bài văn tả mẹ của thế hệ Gen Z đời đầu chúng tôi cũng không tiến bộ hơn là bao. Chỉ có một vài điểm khác biệt không đáng kể, ví dụ như tôi không tả cổ mẹ như cây tre trăm đốt và mắt mẹ như mắt bồ câu con đậu con bay.
Nhưng mẹ tôi cũng có mặt trái xoan, tóc dài óng ả như suối, mũi cao dọc dừa, hàm răng bắp ngô. Đặc biệt là mẹ của ai cũng nói năng nhẹ nhàng cả", anh Linh thích thú kể lại.
Cộng động mạng để lại nhiều bình luận thú vị bên dưới bức chân dung tả mẹ phong cách "văn mẫu".
"Hồi đó tôi đi học tôi tả vậy đó, mà lúc đó còn không biết lá liễu là lá gì, trái xoan nó ra sao, mắt bồ câu nó long lanh thiệt không nữa", một tài khoản viết.
"Bức tranh bật lên thành lời", "Xem tranh mà chữ chạy ra trong đầu", "người mẹ quốc dân"... là nhiều bình luận được tán đồng.
Cô Nguyễn Ngọc Mai - giáo viên ngữ văn Trường liên cấp Newton - cho biết thực trạng văn mẫu nói trên đã được giảm đáng kể khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Với những đòi hỏi của chương trình, chất lượng giáo viên ngày càng được nâng cao. Việc giáo viên đóng khung học sinh vào những câu văn miêu tả khuôn mẫu, thiếu cảm xúc và tính chân thật không còn phổ biến như trước.
"Bên cạnh đó, từ bậc THCS trở lên, việc dạy văn hoàn toàn đổi mới. Học sinh tiếp cận văn bản theo đặc trưng thể loại. Mỗi thể loại văn học có đặc điểm riêng, có những yếu tố cơ bản cần khai thác. Bám vào những yếu tố đó, học sinh hoàn toàn có thể giải mã được nội dung của văn bản mà không cần phải có văn mẫu tham khảo.
Yêu cầu không đưa ngữ liệu sách giáo khoa vào đề thi cũng giúp học sinh ngày càng giảm lệ thuộc vào văn mẫu hay sự phân tích của giáo viên, tránh học tủ học vẹt", cô Mai chia sẻ.
Cô Mai cho biết thêm, việc viết văn bây giờ cũng khác. Học sinh không cần viết những bài văn dài 4-5 trang giấy mà chỉ cần viết khoảng 200-600 chữ, biết chắt lọc ý, tinh gọn, hàm súc nhưng vẫn diễn đạt được trọn vẹn những nội dung cần thiết.
Dạng bài nghị luận xã hội cũng cho phép học sinh được viết những gì do mình nghĩ, mình cảm nhận, thể hiện quan điểm và góc nhìn cá nhân thay vì chỉ lặp lại những phân tích của giáo viên trong các dạng nghị luận văn học như cách học trước đây.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức triển khai từ năm học 2020-2021 với lớp 1, năm học 2021-2022 với lớp 6 và năm học 2022-2023 với lớp 10.
Sau 5 năm, năm 2024-2025 là năm học đầu tiên chương trình được thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ lớp 1 đến hết lớp 12.