Nhảy đến nội dung
 

'Người dân quá thiệt thòi rồi, cần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh ngay 2025'

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới ngay trong kỳ tính thuế năm 2025, thay vì từ kỳ tính thuế năm 2026 như dự kiến, bởi người nộp thuế đã chờ đợi lâu, quá thiệt thòi.

Nên nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 18 triệu đồng/tháng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.

Tại dự thảo, bộ này đề xuất 2 phương án để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Thứ nhất, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo quy định (kể từ năm 2020, trường hợp CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động giá cả).

Số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, CPI từ năm 2020 đến năm 2025 lũy kế dự kiến tăng 21,24%, thì xem xét điều chỉnh tương ứng như sau: mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng.

Phương án 2 là điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người.

Theo số liệu của Cục Thống kê, biến động về chỉ số thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người từ năm 2020 đến năm 2025 lần lượt tăng 40% và 42%. Vì vậy, có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 15,5 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 6,2 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nhìn nhận, cách tiếp cận lần này của Bộ Tài chính về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh có sự đổi mới, phù hợp hơn, không chỉ dựa vào CPI mà còn dựa vào các yếu tố kinh tế - xã hội khác.

"Mức giảm trừ gia cảnh 15,5 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 6,2 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc đã tốt hơn rất nhiều quy định trước đây", ông Được nhấn mạnh ủng hộ phương án 2.

Cũng đồng tình với phương án 2, song chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú (Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho rằng, có thể xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh lên.

"Kỳ điều chỉnh gần nhất là tháng 7.2020, thời điểm đó mức giảm trừ gia cảnh tăng lên chưa đạt kỳ vọng. Bối cảnh 5 năm qua rất khác so với trước đây, từ năm 2020 đến nay xảy ra rất nhiều sự cố, dịch Covid-19 kéo dài từ năm 2019 - 2022, sau đó là bão Yagi lịch sử. Người nộp thuế rất khó khăn, đặc biệt là người làm công, ăn lương, phải thắt lưng buộc bụng.

Trong điều kiện bình thường, nếu Bộ Tài chính đưa ra mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh như phương án 2 có lẽ ổn, nhưng điều kiện đặc biệt như thời gian qua thì cần xem xét thêm. Nếu ngân sách có thể cân đối được, nên nâng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế lên 17 - 18 triệu đồng/tháng.

Với người phụ thuộc, mức giảm trừ gia cảnh hiện bằng khoảng 40% mức áp dụng với người nộp thuế. Đề nghị cân nhắc nâng tỷ lệ này lên 50%", ông Tú nói.

Đề nghị áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2025

Dự kiến, nghị quyết sẽ được thông qua tại phiên họp thứ 50 (tháng 10 tới) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ được thực hiện kể từ khi nghị quyết có hiệu lực thi hành và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.

Rất trăn trở về thời điểm áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới, ông Được bày tỏ, thay vì từ kỳ tính thuế năm 2026, nên có điều chỉnh, "hồi tố" để có thể áp dụng ngay trong kỳ tính thuế năm 2025. "Quyết toán thuế thu nhập cá nhân kỳ tính thuế năm 2025 diễn ra đầu năm 2026, về cơ bản không gây ảnh hưởng gì", vị này nói.

Ông Tú phân tích: "Mức giảm trừ gia cảnh lỗi thời từ lâu, người nộp thuế, đặc biệt là người làm công, ăn lương đã chờ đợi quá lâu, quá thiệt thòi rồi. Áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới sớm một năm so với dự kiến là nguồn động viên lớn với người nộp thuế.

Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao, chỉ trong tháng 10, tháng 11 là có nghị quyết, có thể thực hiện ngay việc giảm trừ gia cảnh theo mức mới ở kỳ quyết toán thuế 2025.

Về thu ngân sách nhà nước cũng không đáng lo ngại, bởi số thu thuế thu nhập cá nhân 6 tháng đầu năm nay đã khá cao, dù có tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng không lo thu ngân sách năm 2025 hụt so với dự toán".


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn