Người đàn ông vay 670 triệu đồng và trả nợ hàng tháng qua ví điện tử, sau 3 năm, ngân hàng thông báo: Số nợ vẫn còn nguyên

Người đàn ông này vay tiền và đã trả tiền hàng tháng. Thậm chí, anh đã thanh toán nợ trước thời hạn, tuy nhiên vẫn nhận được thông báo bất ngờ từ ngân hàng.
Vào ngày 18 tháng 7 năm 2018, ông Tạ vay 190.000 NDT (khoảng 670 triệu đồng) thông qua một ví điện tử có hợp tác với một công ty tài chính trực tuyến và ngân hàng. Quá trình vay được xác nhận giữa các bên thông qua một bản hợp đồng. Theo nội dung hợp đồng, khoản tiền trả nợ sẽ được chuyển vào tài khoản của công ty ví điện tử. Sau đó, đơn vị này chuyển tiếp đến ngân hàng. Đồng thời, ông Tạ cung cấp thông tin xe làm tài sản thế chấp và được công ty tài chính trực tuyến hỗ trợ làm thủ tục để đạt điều kiện.
Sau khi hoàn tất thỏa thuận, ông Tạ nhận được số tiền cần vay. Từ tháng 8 đến tháng 12/2018, ông Tạ trả nợ đúng hạn vào tài khoản của công ty ví điện tử theo thỏa thuận. Tuy nhiên, từ tháng 1/2019, công ty ví điện tử yêu cầu ông chuyển tiền trả nợ vào tài khoản của công ty tài chính trực tuyến. Đến tháng 5/2021, người đàn ông này hoàn tất thanh toán toàn bộ tiền gốc và lãi trước hạn 3 tháng. Từ đây, công ty tài chính cấp giấy chứng nhận đã thanh toán nợ và hoàn tất thủ tục giải phóng thế chấp xe.
Dù đã trả hết số tiền đã vay, nhưng đến thời hạn thanh toán khoản nợ là tháng 8/2021, ông Tạ bất ngờ bị ngân hàng thông báo số nợ 190.000 NDT vẫn còn nguyên. Từ đây, tên của ông nằm trong danh sách nợ xấu của ngân hàng. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng đến điểm tín dụng cá nhân và danh tiếng của công ty mà ông là người đại diện hợp pháp.
Để giải quyết vấn đề, ông đã nhiều lần liên hệ với ngân hàng, công ty ví điện tử, công ty tài chính nhưng không được giải quyết. Trong tuyệt vọng, ông đã đệ đơn kiện ngân hàng, yêu cầu xóa hồ sơ tín dụng xấu.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, tòa án địa phương đã xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng sau 2 tháng. Thẩm phán xét xử vụ việc tuyên bố như sau: Hợp đồng vay giữa các bên được ký kết trực tuyến, là hợp pháp và có hiệu lực. Theo thỏa thuận, ông Tạ đã chuyển tiền hàng tháng vào tài khoản do công ty ví điện tử chỉ định, và ngân hàng sẽ nhận được các khoản thanh toán tương ứng háng tháng.
Hợp đồng cũng quy định rằng sau khi người vay tiền thanh toán hết khoản nợ, các bên có nhiệm vụ giải phóng thế chấp xe. Thực tế, vào tháng 5/2021, ông Tạ đã được thực hiện thủ tục này sau khi thanh toán hết khoản nợ. Những yếu tố này chứng minh rằng ông Tạ đã thanh toán khoản nợ 1 cách hợp lệ. Còn việc ngân hàng không nhận được tiền là do các khâu làm việc giữa nhà băng với công ty ví điện tử và công ty tài chính trực tuyến. Vậy nên hành vi đưa nam khách hàng này vào danh sách nợ xấu của ngân hàng là vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, theo luật pháp Trung Quốc. Tòa án ủng hộ yêu cầu của ông Tạ, ra phán quyết buộc ngân hàng xóa hồ sơ tín dụng xấu trong vòng 10 ngày kể từ khi phán quyết có hiệu lực.
Sau khi tiếp nhận phán quyết cuối cùng, ngân hàng đã tiến hành xóa nợ xấu cho ông Tạ và tiến hành làm việc với các bên liên quan để làm rõ nguyên nhân.
Theo Toutiao