Nhảy đến nội dung
 

Người dân Hà Nội bối rối khi cấm xe máy xăng

Nhiều người dân ủng hộ việc chuyển đổi xe điện để giảm phát thải, ô nhiễm môi trường. Song đa số tỏ ra bối rối, lo lắng công việc, cuộc sống bị ảnh hưởng nếu cấm xe máy xăng.

10 năm nay, trung bình mỗi ngày chị Lê Thị Hồng Nhung, 35 tuổi, sinh sống tại Hoàng Mai (Hà Nội) di chuyển quãng đường 40 km bằng xe máy xăng. Làm công việc về đồng phục, bảo hộ lao động, chị thường xuyên phải đi gặp gỡ, chào hàng và kiêm luôn shipper giao hàng để tiết kiệm chi phí.

“Quãng đường di chuyển của tôi rất dài, vì phải qua nhiều điểm, có ngày thì phải qua chợ Đồng Xuân xem vải, có ngày thì xuống khu vực Hà Đông hay sang Long Biên để giao hàng. Nếu chuyển sang xe điện thì khá bất tiện vì di chuyển nhiều, sạc thế nào? Xe điện thì chở hàng cồng kềnh có tiện không”, chị Nhung bối rối. 

Chưa kể, khu vực nhà trọ chị Nhung và nhiều người lao động khác thuê cũng không cho sạc xe điện trong nhà do lo cháy nổ.

Theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng, từ 1.7.2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe máy chạy xăng dầu) trong Vành đai 1. Từ ngày 1.1.2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3…

Chỉ còn gần 1 năm tới mốc cấm xe máy Vành đai 1, nhưng Hà Nội vẫn chưa có lộ trình cụ thể và lời giải cho nhiều câu hỏi: hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe máy điện thế nào, hệ thống trạm sạc điện cho xe máy điện ra sao, tái chế pin đảm bảo an toàn cháy nổ thế nào?

Với những người dân bên ngoài khi vào Vành đai 1 sẽ phải gửi xe ở đâu, khi khu vực Vành đai 1 - vùng lõi của thủ đô - rất khó bố trí đất làm các điểm trông giữ xe quy mô lớn?

Ủng hộ chủ trương chuyển đổi phương tiện xanh, nhưng anh Huy Hùng (Hà Đông) băn khoăn với vấn đề sạc pin xe điện. Một lần sạc đầy của xe máy điện từ 4 - 6 giờ, hiện đa số người dân sạc xe điện tại nhà. Xe máy điện không có bộ sạc nhanh như ô tô, nên người dân sẽ phải sạc buổi tối hoặc sạc qua đêm, nhưng đi kèm đó là nỗi lo an toàn cháy nổ. Chưa kể, độ bền pin của xe máy điện hay xe đạp điện không dài, chỉ từ 2 - 3 năm.

Như tại Trung Quốc, thay vì đầu tư nhiều trạm sạc thì nước này có hệ thống trạm đổi pin, giảm thời gian chờ sạc. Hãng sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới CATL của Trung Quốc cũng đã có kế hoạch mở rộng mạng lưới đổi pin xe điện. CATL cũng cho biết sẽ triển khai 1.000 trạm đổi pin xe điện trên khắp Trung Quốc.

Cần hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện

Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy, chưa kể số lượng xe của người ngoại tỉnh đi vào thành phố. Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng với nhóm đối tượng chịu tác động rất lớn từ quy định cấm xe máy chạy xăng, Hà Nội cần sớm có chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp trong quá trình chuyển đổi phương tiện.

Theo đó, cần khảo sát số lượng xe máy chạy xăng hiện có, phân loại theo niên hạn và tình trạng sử dụng để xây dựng gói hỗ trợ phù hợp. Với xe máy xăng còn mới, có giá trị sử dụng sẽ được hỗ trợ nhiều hơn khi chuyển đổi; xe quá cũ có thể không hỗ trợ nhưng được khuyến khích thu hồi như chủ trương thu hồi xe cũ nát.

Ông Thanh đề xuất mức hỗ trợ có thể gồm một phần tài chính để đổi phương tiện hoặc trợ cấp chi phí đi lại nếu người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Cạnh đó, cần vận động các hãng xe điện triển khai chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, khuyến khích giảm giá xe điện, đặc biệt cho nhóm thu nhập thấp…

Trước đó, ngày 9.6 tại buổi làm việc với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định Hà Nội sẽ giữ nguyên lộ trình hạn chế xe máy tại các quận vào năm 2030, đồng thời từng bước chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện. 

Theo ông Thanh “chủ trương này đã ban hành cách đây hơn 7 năm nên không có gì bất ngờ với doanh nghiệp hay người dân. Thành phố quyết tâm thực hiện lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch".

Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết, để thực hiện mục tiêu, Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi, đầu tư hệ thống trạm sạc, nâng tiêu chuẩn an toàn tại các khu vực sạc tập trung, đồng thời phát triển mạnh vận tải công cộng. 

Thành phố đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2030 sẽ chuyển toàn bộ xe buýt sang năng lượng sạch và đến năm 2035 hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400 km.

Song chuyển đổi thế nào, hỗ trợ ra sao, thì người dân vẫn đang chờ nhiều hơn ở các phương án, chương trình cụ thể mà cơ quan chức năng của Hà Nội đưa ra trong thời gian tới.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn