Nhảy đến nội dung
 

Người chăn nuôi giấu thông tin, dịch tả heo lan mạnh

Việc nhiều người nuôi che giấu thông tin, bán "chạy" hoặc vứt heo bị bệnh khiến dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng phát và lan rộng tại một số địa phương.

Ngày 24-7, thông tin từ Sở NN&MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết từ ổ dịch ASF đầu tiên được phát hiện vào ngày 27-6 ở xã Nghĩa Giang, đến nay dịch đã bùng phát tại 1.685 cơ sở chăn nuôi thuộc 34 xã, phường với khoảng 9.610 con heo (khoảng 580 tấn) nhiễm bệnh đã được tiêu hủy.

Bán "chạy" heo bệnh, vứt xác heo chết...

Trước diễn biến phức tạp của dịch ASF, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khoanh vùng, khống chế các ổ dịch, ngăn chặn lây lan diện rộng.

Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp UBND các xã, phường tổ chức tiêu độc, khử trùng khu vực có dịch, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.

Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phát 920 lít hóa chất khử trùng, 1.000 liều vắc xin phòng dịch ASF cho các địa phương phục vụ công tác dập dịch. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp bước đầu giúp hạn chế tình trạng người dân vứt xác heo chết bừa bãi, giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh ra môi trường và khu dân cư.

Trước đó, nhiều người chăn nuôi tại địa phương có hiện tượng giấu dịch, tìm cách bán "chạy" heo ở vùng phát hiện dịch... dẫn đến mầm bệnh lây lan. Cùng với đó, việc vứt xác heo bừa bãi khắp đường làng, rẫy keo và kênh mương khiến việc ngăn chặn dịch gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, tại tuyến kênh qua phường Nghĩa Lộ, người dân liên tục phát hiện heo chết, lực lượng chức năng vừa dọn xong hôm nay, hôm sau lại có. Ở phường Trương Quang Trọng, người dân còn bỏ heo chết trong thùng rác, lề đường... thay vì đào hố chôn lấp đúng cách.

Chính quyền các xã ở Quảng Ngãi đã ra thông báo cảnh báo hành vi vứt xác động vật chết ra môi trường là vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng nếu vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết ra môi trường; buôn bán con giống mắc bệnh truyền nhiễm.

Công an xã Nghĩa Hành, Quảng Ngãi đã phạt 1 trường hợp tuồn 72 con heo bệnh ra thị trường và 1 trường hợp vứt heo bừa bãi. Việc xử lý mạnh tay khiến việc vứt xác heo bừa bãi giảm đi. Tuy nhiên, không ít người chăn nuôi cho biết sau khi báo địa phương về dịch bệnh, đơn vị tiêu hủy đến đưa heo đi tiêu hủy mà không hỗ trợ dịch bệnh cho người dân.

Theo ông Ung Đình Hiền, chủ tịch UBND xã Vạn Tường, Quảng Ngãi, do lực lượng thú y mỏng, còn kinh phí ban đầu chưa bố trí được, xã phải ứng trước để mua vật tư phòng chống dịch.

"Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là ý thức người dân. Chỉ cần bà con chủ động, phối hợp việc dập dịch sẽ dễ dàng", ông Hiền nói.

Các địa phương phải hành động quyết liệt hơn

Theo ông Phan Quang Minh, phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&MT), từ đầu năm đến 22-7, cả nước đã xảy ra 636 ổ dịch tại 30/34 tỉnh, thành phố với tổng số heo mắc bệnh, heo chết, buộc tiêu hủy hơn 43.000 con.

Riêng trong tháng 6 và 7-2025, dịch ASF gia tăng tại các tỉnh thành phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội...) và duyên hải miền Trung (Quảng Ngãi, Quảng Trị...). Đến nay cả nước còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Theo ông Minh, bệnh dịch ASF đang có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ lây lan trong thời gian tới rất cao do chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học còn chiếm tỉ lệ cao.

"Có hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch. Khi đàn vật nuôi có dấu hiệu nghi mắc bệnh, người dân không thông báo cho chuyên môn thú y, chính quyền địa phương để được hỗ trợ điều trị, xử lý mà bán chạy heo, vứt xác ra môi trường làm dịch bệnh lây lan rộng" - ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, công tác giám sát phát hiện, công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn có nơi còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, để người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.

Ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ NN&MT, cho biết trong khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hoạt động kiểm soát giết mổ còn nhiều vấn đề, có hiện tượng mua bán heo bệnh, heo chết làm thực phẩm, vứt xác heo ra môi trường.

"Bộ đã đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ, hành động quyết liệt hơn, nhanh hơn đối với công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi để giảm tối đa hơn nữa" - ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng cho biết theo quy định, để nhận được tiền hỗ trợ heo bị dịch bệnh, địa phương phải công bố dịch theo Luật Thú y. Do đó các địa phương phải bám sát, theo dõi khi phát hiện dịch ASF, phải công bố dịch, kê khai, làm thủ tục theo quy định để đáp ứng được tiêu chí hỗ trợ cho bà con.

Theo nghị định 116/2025 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật, ngoài mức hỗ trợ 40.000 đồng/kg heo hơi bị dịch bệnh, còn hỗ trợ phát triển đàn, thụ tinh nhân tạo, con giống...

"Như vậy cơ chế chính sách rất đồng bộ, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào, nhất là phải có cán bộ chuyên môn thú y mới có thể hoạt động đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả" - ông Tiến nói.


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn