Nhảy đến nội dung

Ngôi chùa có chánh điện cao nhất Việt Nam và phù điêu cây bồ đề độc đáo

Chùa Vạn Đức không chỉ nổi bật với chánh điện cao nhất Việt Nam mà còn gây ấn tượng với bức phù điêu cây bồ đề dài từ gốc đến ngọn, được xem là duy nhất cả nước.

Từ trung tâm Q.1, chúng tôi đi theo xa lộ Đại Hàn về phía đông khoảng 15 km để tìm đến ngôi chùa có chánh điện cao nhất Việt Nam thuộc TP.Thủ Đức (TP.HCM). Khi vừa qua khỏi cầu vượt Bình Phước thấy xa xa là một tòa tháp cao vượt hẳn những mái nhà xung quanh, với đóa sen đỏ rực rỡ trên đỉnh tháp. Đó là chùa Vạn Đức (ở đường Tô Ngọc Vân, P.Tam Phú).

Chánh điện cao nhất Việt Nam

Chùa Vạn Đức có cổng tam quan 3 tầng hiện ra với mái ngói lưu ly xanh, đầu đao uốn cong hình hoa sen cách điệu, nóc trang trí hình "lưỡng long chầu Pháp luân". Chùa được cẩn đá xanh, tạo cảm giác vững chãi và cổ kính.

Nhìn từ ngoài vào, nhiều người lầm tưởng đây là một ngôi chùa nhiều tầng, nhưng thực chất công trình chỉ có 2 tầng chính.

Điểm nhấn đầu tiên là tòa chánh điện cao 43,5 m nên ngôi già lam này được mệnh danh là ngôi chùa có chánh điện cao nhất Việt Nam hiện nay. Với kiến trúc giống một tòa tháp, chia thành 2 tầng chính: tầng dưới là giảng đường và tầng trên là nội điện thờ Phật.

Đặc biệt, phía sau tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bức phù điêu cây bồ đề "độc nhất vô nhị" được phật tử dựng mô phỏng với chiều cao hơn 20 m, có đủ từ gốc đến ngọn, phía sau là phong cảnh sông Ni Liên Thiền. Sông Ni Liên Thiền (hay còn gọi là sông Niranjana) là con sông lịch sử gắn liền với cuộc đời và hành trình giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Hiếm có nơi nào tái hiện cây bồ đề đủ cả từ gốc đến ngọn như chùa Vạn Đức bởi ở hầu hết các chùa khác, cây thường chỉ dừng lại ở phần thân, không vươn tới đọt.

Trên trần điện là một bầu trời trăng sao lung linh được thiết kế để tạo chiều sâu thị giác khiến toàn bộ cảnh tượng sống động đến lạ.

Trong cuốn sách Kỷ yếu trùng tu chùa Vạn Đức và Vạn Linh có viết: "Lá cây bồ đề ở chùa Vạn Đức được phật tử công quả mô phỏng ra gần 10.000 lá đủ lớn nhỏ. Sau khi đắp thân cây và nhánh, lá sẽ được gắn vào nơi phù hợp. Sở dĩ hòa thượng cho xây lầu 2 chánh diện cao trên 20 m là muốn có đủ diện tích để cây bồ đề có đọt.

Ngoài ra, toàn bộ vách chùa cả trong lẫn ngoài đều được dán bằng gạch bóng kiếng cạnh, nhất là vách bên ngoài của tầng trệt và chánh điện xây bằng gạch bể xin về rồi cắt lại. Còn phần mặt và vách các bệ thờ đều được dán bằng đá hoa cương khổ lớn".

Bức phù điêu cây bồ đề có một không hai

Để tìm hiểu về lịch sử của chùa, chúng tôi lật giở tài liệu chùa Vạn Đức. Ngôi chùa vốn khởi nguồn từ căn nhà xưa của một gia đình phong lưu ông Nguyễn Văn Do (chú ruột bà Ba Hộ). Sau khi ông mất, bà Ba hiến đất và ngôi nhà cho hòa thượng Thích Trí Tịnh.

Năm 1954, ngôi nhà được cải tạo thành chùa, mang tên Vạn Đức.

Chỉ sau chưa đầy 1 thập kỷ, từ một ngôi nhà bỏ hoang với cỏ dại phủ kín, chùa được mở rộng với nhiều công trình lớn: nhà tổ, nhà công quả, nhà bếp, giảng đường, tăng phòng, điện Quan Âm.

Đến năm 1963, chùa Vạn Đức được trùng tu toàn diện với mái ngói âm dương, 3 lớp mái chồng lên nhau tạo hiệu ứng như một công trình 3 tầng. Phía trước chánh điện là 3 bộ cửa sắt bông sen 4 cánh.

Tam quan, tượng Phật A Di Đà cao 15 m, sân chùa, ao sen, điện Quan Âm lộ thiên... tất cả hòa quyện tạo nên không gian thanh tịnh giữa lòng phố thị TP.HCM.

Từ năm 1990 đến nay, chùa tiếp tục được tu bổ qua nhiều giai đoạn, nổi bật là tháp Phù Thị xây năm 1993 và đại trùng tu chánh điện năm 2004.


 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn