Nhảy đến nội dung
 

Ngoài Củ Chi, TP.Thủ Đức cũng từng có căn hầm bí mật dài 5 km

Đình Phong Phú, với 145 năm lịch sử, không chỉ nổi tiếng với kiến trúc đặc sắc mà bên trong còn có hầm bí mật dài 5 km ngay dưới đình.

Nơi đây từng là điểm hoạt động của cán bộ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đình Phong Phú được xây dựng vào khoảng năm 1880, thờ Thành Hoàng, là ngôi đình cổ xưa bậc nhất TP.HCM. Đình tọa lạc tại đường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức, trên khu đất rộng 4,2 ha.

Đình có 2 lớp cổng chính. Cổng thứ nhất tạc bia ông Hổ và cổng thứ hai theo kiểu " tam quan". Sân Đình có tượng Bạch Mã, Thần Nông, hòn non bộ và các miếu nhỏ thờ Ngũ Hành Nương Nương…

Bên trong đình gồm các phần chính như: võ ca, chính điện, tiền điện, nhà túc, nhà bếp, nhà truyền thống… Nóc đình và các bức hoành phi được trang trí các hoa văn liên quan đến các đề tài dân gian, mang bản sắc văn hóa đình Nam bộ xưa.

Điểm đặc biệt ở trong đình còn có đường hầm bí mật, nằm dưới chánh điện, từng là nơi trú ẩn của lực lượng cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ.

Là nhân chứng lịch sử tại đây, Bà Nguyễn Thị Súng (72 tuổi) là người ít ỏi còn lại nắm rõ từng thời kỳ các chiến sĩ hoạt động cách mạng ở đường hầm cùng sự thay đổi của đình theo thời gian.

Bà Súng cho biết bà là con gái của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Bá (biệt danh Năm Lỳ). Năm 1959, khi bà tròn 15 tuổi, đường hầm này được xây dựng. Người đào chính là ông Bá - cha bà cùng các chiến sĩ khác thực hiện. Mục đích để làm nơi hoạt động cách mạng, giấu vũ khí, nuôi nấng bộ đội địa phương, lẩn tránh sự truy quét của Mỹ. Đến khoảng năm 1960 bà Súng mới biết có sự hiện diện của đường hầm này.

Bà Súng là dân ở địa phương, nhà gần đình. Lúc bà còn nhỏ được cử làm giao liên thường mang thực phẩm, thư từ, đồ tiếp tế của bà con nhân dân gửi cho các chiến sĩ. Nhiệm vụ giao liên của bà chỉ như là người đi cúng đình, tham quan. Khi đến, bà Súng chỉ mang các vật phẩm để lên bàn thờ, thắp nhang chứ không được trực tiếp đến miệng địa đạo để đưa hàng hóa.

Ngoài nhiệm vụ làm giao liên, bà Súng còn được cách mạng cử làm công nhân ở một nhà máy có tên Phước Long (nằm tại Khu Công nghệ cao ngày nay). Nhiệm vụ của bà nắm tình hình, địa thế nhà máy để báo cáo lại với tổ chức. Nhờ đó, vào khoảng cuối năm 1966 bộ đội địa phương dễ dàng đánh vào nhà máy, lấy nhiều vật dụng chia cho người dân.

Theo bà Sú, đường hầm này dài đến 5 km, từ chánh điện đình Phong Phú đến tận Khu di tích lịch sử Vùng Bưng 6 xã. Đường hầm dạng thẳng, không có các tầng, chỉ như lối đi thu nhỏ dưới lòng đất. Hầm có bậc thang lên xuống, sâu khoảng 2 m, rộng khoảng 50 cm vừa đủ một người đi, độ cao khoảng 1,5 m.

Về sau này, đoạn đường hầm từ Khu di tích lịch sử Vùng Bưng 6 xã đến đình Phong Phú và đoạn từ chánh điện đến khu vực nhà vệ sinh của đình được lấp lại. Chỉ duy nhất đoạn hầm giữa (dài khoảng 100 m) nối từ nhà vệ sinh của đình ra khu rừng phía sau được bảo tồn nguyên vẹn.

Ở trong đình, miệng hầm được ngụy trang dưới bàn thờ Thành Hoàng. Phía sau, phải đình miệng hầm được ngụy trang ở khu vực giết mổ heo cúng và nhà vệ sinh. Bên ngoài đình, nơi có cánh rừng âm u, một miệng hầm cũng được ngụy trang bằng ụ mối, lá cây rừng. Ngày nay chỉ còn lại 2 miệng hầm còn duy trì. Sở dĩ phía sau đình có lối lên xuống vì khi địch càn quét, các chiến sĩ có nơi để thoát thân nhanh chóng.

Bà Súng nói rằng có rất nhiều chiến sĩ từng sống, chiến đấu, ẩn mình dưới đường hầm. Tuy vậy, những người đầu tiên ở và trực tiếp đào hầm phải kể đến như: Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Bá; Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Tăng, liệt sĩ Nguyễn Văn Đạt; liệt sĩ Ngô Tùng Lộ…

Mãi đến khi đất nước thống nhất năm 1975, bà Súng mới lần đầu được xuống hầm tham quan trải nghiệm. "Nó là đường hầm đất, rất thô xơ", bà Xú kể.

Bà Súng cho hay đường hầm sau này được chính quyền địa phương quan tâm, nhiều lần được tôn tạo mới. Gần nhất là cách đây 3 tháng, Hội LHPN TP.Thủ Đức đứng ra tôn tạo, trám xi măng, lắp đèn cùng quạt máy giúp hầm trở nên khang trang và đẹp hơn.