Nhảy đến nội dung
 

Nghiên cứu sâu về người nghèo, phát hiện ra: Người không xu dính túi, tương lai mờ mịt thường dắt túi 3 ‘gói nghèo’ này

Thói quen và trạng thái vô thức của một người, thường là dấu hiệu cho thấy sự khốn khó trong cả cuộc đời họ. 3 gói nghèo này dai dẳng bám theo họ, mà chính họ chẳng hay. Nếu có, mong bạn sớm thay đổi.

Người dẫn chương trình Mã Đinh từng chia sẻ một câu chuyện: Hồi nhỏ, trong siêu thị gần nhà, trước mỗi quầy hàng đều bày sẵn các phần ăn thử nhỏ. Một cậu thanh niên tóc tai bù xù, vừa đi vừa ăn hết các món ăn thử hai bên lối đi. Sau khi đi dạo quanh siêu thị, cậu ta trông như đã no bụng, còn hài lòng dùng mu bàn tay lau miệng. Lúc đó nhà Mã Đinh cũng không khá giả, cậu muốn bắt chước lấy đồ ăn thử miễn phí.

Nhưng còn chưa kịp đến gần quầy, đã bị mẹ kéo lại. Mẹ cậu nói: "Người đó là mệnh khổ, nếu con học theo, cả đời con cũng sẽ nghèo khổ." Nhiều năm qua, lời mẹ nói và bóng lưng cậu thanh niên kia đã khắc sâu trong tâm trí Mã Đinh.

Về sau anh dần hiểu ra: Nghèo một lúc là vận, nghèo cả đời là mệnh.

Thói quen và trạng thái vô thức của một người, thường là dấu hiệu cho thấy sự khốn khó trong cả cuộc đời họ.

01. Nghèo "tam quan"

Khi mới đến Bắc Kinh làm nghề giao hàng, nhà văn Hồ An Nghiên từng gặp một người đồng nghiệp. Người đồng nghiệp đó lợi dụng kẽ hở của trạm giao hàng để lấy hai chiếc xe ba bánh chạy điện. Một chiếc dùng để đi làm giao hàng, chiếc còn lại dùng cho việc riêng sau giờ làm. Vì cần dùng trạm sạc chuyên dụng, nên cách một hai ngày, anh ta lại lái chiếc xe dùng riêng về trạm để sạc điện. Để tránh bị phát hiện, anh ta còn phải lựa lúc không có ai mới dám đưa xe đến, sạc xong thì lén lái đi. Mỗi lần như vậy phải tốn gần 3 tiếng đồng hồ.

Hồ An Nghiên khuyên anh ta nên trả xe lại, dù sao thì cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Nhưng người đồng nghiệp lại nghĩ: "Cái gì không lấy thì phí." Sau này, Hồ An Nghiên tận dụng thời gian sau giờ làm để đọc sách và viết lách, trở thành một tác giả bán chạy. Còn người đồng nghiệp kia vẫn ở trạm giao hàng, mỗi ngày chỉ nghĩ cách giữ lấy cái lợi từ việc dùng xe công vào việc riêng.

Giáo sư Tằng Sĩ Cường từng nói: "Ba quan niệm khiến người ta cách xa sự giàu có nhất, chính là sự ích kỷ quá mức." Một người càng thích chiếm lợi nhỏ, thì lại càng khó làm giàu. Những cái lợi nhỏ nhặt cuối cùng sẽ không mang lại thay đổi thực chất nào cho cuộc sống. Ngược lại, thời gian và sức lực bị tiêu hao sẽ khiến người ta càng bị mắc kẹt trong hiện tại.

Nhà xã hội học Tạ Vũ trong một lần khảo sát, từng gặp một dự án xóa đói giảm nghèo. Ý tưởng của dự án là phát cho hộ nghèo một số gia súc. Thông qua chăn nuôi, họ có thể tăng thu nhập, từ đó từng bước thúc đẩy kinh tế khu vực. Nhưng kết quả là hầu hết người dân trong làng lại ăn thịt những con gia súc vừa được cấp ngay lập tức.

Họ làm vậy vì sợ nếu nuôi lâu dài, sau này sẽ không được nhận gia súc miễn phí nữa.

Trong cuốn "Tại sao bạn là người nghèo" có một câu nói: "Mỗi bữa trưa miễn phí bạn ăn, đều sẽ phải trả giá theo cách khác." Ác ý lớn nhất của xã hội đối với người nghèo, không phải là khiến họ trắng tay. Mà chính là cho họ chút lợi nhỏ khiến họ tự mãn, rồi quên mất rằng cuộc sống của mình mới là thứ cần được thay đổi.

02. Nghèo "nhận thức"

Một cư dân mạng ẩn danh từng chia sẻ trên mạng xã hội hai câu chuyện liên quan đến cha của mình: Lần đầu là sau khi tốt nghiệp, anh muốn mở một tiệm giặt ủi trong thành phố. Cha anh sau khi biết chuyện không những không hỗ trợ, mà còn gọi điện ngay trong đêm cho tất cả người thân, cấm họ cho anh vay tiền. Không còn cách nào, anh đành rủ vài người bạn cùng hùn vốn mở tiệm. Thế nhưng ngay ngày khai trương, cha anh lại đến tiệm gây rối.

Ông chỉ vào mặt anh mắng: "Đừng tưởng ai cũng lười như mày, có tay có chân thì sao lại phải thuê người giặt đồ!". Không còn cách nào khác, anh buộc phải rút khỏi nhóm làm ăn. Hai năm gần đây, thấy việc kinh doanh giặt ủi của các bạn làm ăn ngày càng phát đạt, anh không khỏi hối tiếc trong lòng.

Câu chuyện thứ hai xảy ra khoảng năm 2015. Anh dành dụm được một số tiền kha khá, muốn nhờ gia đình hỗ trợ thêm để làm tiền đặt cọc mua nhà ở thành phố. Nhưng cha anh chỉ hừ lạnh một tiếng: "Đừng quên gốc rễ của mày ở đâu!" Nói xong, ông quay lưng đi làm đồng, không buồn nhìn lại. Kết quả không lâu sau đó, giá nhà tăng đến mức cả gia đình muốn mua cũng không còn khả năng.

Cuối bài viết, anh tỏ ra tiếc cho cha mình. Rõ ràng ông không có thói quen xấu nào: không hút thuốc, không uống rượu, lại rất chăm chỉ làm việc. Nhưng suốt đời chăm chỉ mà vẫn không có cuộc sống khá hơn.

Biểu hiện bên ngoài của một người "mệnh nghèo" là cả đời không có tiền, còn cội rễ nằm ở nhận thức — một đời không bao giờ tỉnh ngộ.

Phó Thịnh từng nói: Nhận thức là sự khác biệt cốt lõi nhất giữa con người với nhau. Khi cách hiểu của bạn về việc kiếm tiền mãi chỉ dừng lại ở việc bán sức lao động, thì bạn chắc chắn sẽ ngày càng lún sâu vào vòng xoáy bận rộn nhưng vẫn nghèo khó.

03. Nghèo "tâm thái"

Khi giúp bạn chuyển nhà, blogger tự do @Trương Kỳ phát hiện dưới gầm giường một thùng đồ dùng bàn ăn cao cấp. Bên ngoài hộp phủ đầy bụi, rõ ràng là mua về rồi chưa từng sử dụng. Người bạn giải thích rằng, đó là quà của nhà cung cấp tặng khi làm dự án cách đây 6 năm. Trương Kỳ không khỏi tò mò: "Đồ tốt thế sao không dùng?" Người bạn nhún vai: "Loại nghèo như tôi thì sao xứng dùng bộ đồ ăn đắt tiền thế này, đợi sau này có tiền rồi tính."

Về sau Trương Kỳ kể lại chuyện này, không khỏi cảm thán: "Nếu anh ấy cứ giữ suy nghĩ như vậy, có lẽ cả đời cũng không dùng được bộ đồ ăn đó." Người có "mệnh nghèo" thường là do "tâm nghèo". Trong tiềm thức, họ luôn cho rằng bản thân hiện tại không xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn. Ngay cả khi cơ hội tốt xuất hiện trước mắt, họ cũng sẽ dè chừng và tránh xa.

Lý Tiểu Ỷ từng phụ trách một dự án của công ty kinh doanh. Trong quá trình thực hiện, tác phong làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp của cô khiến lãnh đạo bên đối tác ấn tượng sâu sắc. Sau khi dự án kết thúc, vị lãnh đạo kia hỏi cô có muốn làm thư ký cho ông không. Công ty này quy mô không lớn, nhưng đang trong giai đoạn phát triển nhanh, lại chuẩn bị mở rộng ra thị trường quốc tế. Thế nhưng đối mặt với cơ hội hiếm có như vậy, phản ứng đầu tiên của Lý Tiểu Ỷ lại là: "Tôi có làm nổi không?"

Thứ nhất, cô không cao, đi theo lãnh đạo tham dự sự kiện thì không ra dáng; Thứ hai, tiếng Anh nói không tốt, tiếp khách nước ngoài sẽ rất ngại; Hơn nữa, cô không học chuyên ngành thư ký, chắc chắn sẽ có nhiều việc không xử lý được…

Thấy cô như vậy, lãnh đạo bên kia chỉ cười và bảo là nói chơi thôi. Chỉ trong vòng 5 năm, công ty ấy đã phát triển thành doanh nghiệp hàng đầu ngành với giá trị thị trường vượt 10 tỷ. Người thư ký được chọn sau đó cũng đã trở thành người có tài sản hàng triệu tệ.

Trải qua chuyện này, Lý Tiểu Ỷ mới nhận ra vấn đề nằm ở chính mình. Về sau cô thay đổi tâm thái, chủ động nắm bắt cơ hội, cuộc sống mới dần cải thiện.

Tôi rất đồng tình với một câu nói của Carl Jung: "Con người bị nội tâm dẫn dắt cuộc đời, nhưng lại luôn cho rằng đó là số phận." Tâm thái của một người, chính là nơi ẩn giấu vận may tài chính của họ. Nếu trong lòng luôn mặc định mình là kẻ nghèo, thì cả đời sẽ không bước ra khỏi cảnh nghèo được.

04

Nói nhiều như vậy, điều tôi muốn thể hiện không phải là một số người sinh ra đã định sẵn sẽ nghèo. Mà là muốn nói rằng có những thứ vốn có từ khi sinh ra, sẽ khiến bạn bị cái nghèo trước mắt trói buộc cả đời.

Giống như những gì chúng ta đã nói ở trên: tam quan (thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan), nhận thức và tâm thái. Đây mới chính là bản chất của "mệnh nghèo".

Một YouTuber có tên Tiểu Thôi, khi mới vào đại học đã quen một người bạn trong câu lạc bộ. Người bạn đó ngoại hình bình thường, thành tích học tập cũng không nổi bật, nên Tiểu Thôi không mấy để ý. Mãi đến gần khi tốt nghiệp, cậu mới nghe nói người kia đã sang một trường thuộc Ivy League học cao học.

Còn bản thân cậu, đến một tấm thư mời làm việc cũng chưa có. Về sau, Tiểu Thôi ngẫm lại sự khác biệt giữa hai người: Bản thân đến từ một gia đình công nhân ở thành phố; cha của người kia là viện trưởng một trường đại học. Cậu thi đỗ đại học đã trở thành "con nhà người ta" trong miệng hàng xóm; Còn cậu bạn kia, dù đỗ đại học, vẫn là người có học vấn thấp nhất trong thế hệ của gia đình mình.

Từ nhỏ, cậu luôn nghe mọi người nói: "Đỗ được một trường danh tiếng là sau này có thể an nhàn rồi". Còn gia đình cậu bạn kia thì nói: sau khi đỗ đại học thì khi nào cần đăng bài nghiên cứu, khi nào thi IELTS, khi nào nộp hồ sơ du học... Cả hai cùng thi đỗ một trường đại học, nhìn qua tưởng như xuất phát từ cùng vạch. Thế nhưng môi trường trưởng thành khác nhau đã khiến họ ở ngã rẽ cuộc đời, rẽ sang hai hướng hoàn toàn trái ngược.

Nhiều người cho rằng, để thoát nghèo thì chỉ cần chăm chỉ kiếm tiền, làm cho số dư trong tài khoản tăng lên là được. Nhưng họ không biết rằng, đó là một quá trình tái kiến tạo lại chính bản thân. Chỉ khi bạn lật đổ được những thứ ăn sâu bén rễ trong lòng - những thứ được nuôi dưỡng bởi mảnh đất tầng lớp thấp bé hơn - thì mới có thể thật sự thoát khỏi vận mệnh nghèo đói.

Giống như câu hỏi của doanh nhân La Trấn Vũ: "Nếu bạn từng là một người nghèo mà vẫn tiếp tục mang theo tam quan và nhận thức từ nhỏ đến lớn, vậy thì làm sao bạn có thể kỳ vọng bản thân sẽ trở thành người giàu?"

Cứ lặp lại con đường cũ của ngày hôm qua, thì mãi mãi không thể bước ra một cuộc sống mới mà bạn mong muốn. Hãy hạ quyết tâm làm những điều mà bản năng bạn luôn kháng cự, phá bỏ xiềng xích do hoàn cảnh mang lại - bạn sẽ nhìn thấy nhiều khả năng hơn trong cuộc sống.

Tôi rất thích một câu thế này: "Không có tiền chỉ là một kiểu nghèo, còn nhiều kiểu nghèo khác bắt nguồn từ tam quan, nhận thức nghèo nàn và tâm thái chán nản." Nghèo có thể là một trạng thái, cũng có thể là một định mệnh. Chúng ta có thể bất lực trước cái nghèo trước mắt, nhưng ít nhất, đừng để cái nghèo bén rễ trong nội tâm của mình. Chỉ cần một người còn giữ được khát vọng vươn lên, thì cái gốc của sự nghèo khó có thể bị cắt đứt, và "mệnh nghèo" cũng có thể được thay đổi.