Nghiên cứu 20 năm với hàng trăm cụ 100 tuổi phát hiện 3 điểm chung

Nhà khoa học người Mỹ Stacy Andersen đã đi khắp nơi, tiếp xúc với những người trên 100 tuổi để tìm ra những thói quen chung của họ.
Mặc dù yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc sống thọ trăm tuổi, Stacy Andersen nhấn mạnh rằng những thói quen lành mạnh mới là yếu tố then chốt giúp con người khỏe mạnh khi đã cao tuổi.
Trong hơn hai thập kỷ qua, Andersen - nhà thần kinh học hành vi tại Đại học Boston (Mỹ) đã dành thời gian nghiên cứu cuộc sống của những người sống trên 100 tuổi, với mục tiêu khám phá những bí quyết sống thọ đặc biệt. Là đồng giám đốc của Dự án Nghiên cứu Những người Trăm tuổi New England, bà đã đi khắp nơi, gặp gỡ hàng trăm cụ ông, cụ bà trên 100 tuổi để tìm hiểu bí mật giúp họ khỏe mạnh lâu dài.
Theo Money Control, dựa trên kết quả nghiên cứu của mình, chuyên gia về tuổi thọ này đã áp dụng ba thói quen chính vào cuộc sống hằng ngày:
1. Thử thách bản thân học kỹ năng mới
Andersen bắt đầu học chèo thuyền - một hoạt động mà bà cho rằng vừa kích thích trí óc vừa giúp vận động cơ thể. Bà khuyến khích mọi người theo đuổi những sở thích mới và nói rằng: "Bất cứ điều gì bạn luôn muốn thử nhưng chưa làm, hãy bắt đầu ngay bây giờ". Bà cũng chia sẻ rằng nhiều cụ bà, cụ ông trăm tuổi mà bà từng gặp bắt đầu học vẽ tranh khi đã lớn tuổi. Việc làm mới trí não bằng các hoạt động khác nhau sẽ giúp củng cố và xây dựng các liên kết thần kinh - yếu tố số một giúp não bộ khỏe mạnh.
2. Tập thể dục đều đặn
Chuyên gia nghiên cứu tuổi thọ này luôn duy trì thói quen vận động hằng ngày, xen kẽ giữa những buổi đi bộ đường dài cùng chú chó của mình và chạy bộ trên máy. Bà nhận thấy phần lớn những người trăm tuổi đều năng động, nhiều người vẫn sống độc lập ở độ tuổi 90. Họ thường tiếp tục lái xe lâu hơn trung bình 10 năm và làm việc lâu hơn người đồng trang lứa khoảng 5 năm.
3. Ăn uống và ngủ nghỉ hợp lý
Chuyên gia Andersen cố gắng ăn đủ 5 loại rau củ và trái cây với màu sắc khác nhau mỗi ngày để đảm bảo bổ sung đa dạng dưỡng chất. "Bạn sẽ có được nhiều loại dưỡng chất hơn và việc hoàn thành mục tiêu đó mỗi ngày cũng mang lại cảm giác rất tích cực", bà chia sẻ. Ngoài ra, bà cũng ưu tiên giấc ngủ chất lượng, đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm. Theo bà, cảm giác tỉnh táo và sảng khoái khi thức dậy quan trọng hơn con số chính xác về thời lượng ngủ.