Nghiêm trị hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả

Không chỉ lên án việc sản xuất, buôn bán hàng giả, nhiều ý kiến còn đề nghị pháp luật nghiêm trị hành vi này.
Như Thanh Niên thông tin, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.Hà Nội vừa triệt phá ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng (TPCN), trang thiết bị y tế do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt (cùng 37 tuổi, trú P.Phúc La, Q.Hà Đông) cầm đầu.
Công an xác định, Tiến đã chỉ đạo Lương Thị Yến (là kế toán công ty) thành lập 17 công ty, trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước. Thời gian đầu, Tiến nhập khẩu các loại TPCN về phân phối trong nước, khi thấy thị trường phản hồi tốt, nên Tiến nảy sinh ý định sản xuất, gia công hàng trong nước, lấy thương hiệu của nước ngoài để bán.
Bản thân là dược sĩ nên Tiến tự tạo ra công thức của các sản phẩm, sau đó mua vật liệu trong nước giao cho nhân viên không có trình độ, bằng cấp tự phối trộn thành viên nang và đóng gói thành các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài là TPCN và thiết bị y tế… Kết quả khám xét khẩn cấp tại các địa điểm, lực lượng chức năng thu giữ hơn 100 tấn hàng hóa là TPCN, thiết bị y tế giả cùng nguyên vật liệu, máy móc sản xuất. Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020 và bán tại các hiệu thuốc, bệnh viện trên toàn quốc.
Hành vi vô lương tâm
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi gian dối, coi thường sức khỏe người tiêu dùng của cặp vợ chồng này. "Với số TPCN giả này thì người sử dụng phải gánh chịu hậu quả là sức khỏe suy yếu và bệnh tật. Đây là hành vi vô lương tâm, mong pháp luật có bản án nghiêm khắc với những người này", BĐ Xuân Sơn ý kiến.
"Cảm thấy thật sự bất an. Bao nhiêu người đã phải dùng những sản phẩm giả mạo này rồi và sức khỏe của họ có ổn không? Có lẽ cần có những hình phạt nặng hơn để những kẻ làm hàng giả phải chùn bước", BĐ Vân Nga ý kiến thêm.
Còn BĐ Nguyễn Sơn viết: "Điều đáng lo ngại nhất là những hệ lụy khôn lường mà hàng giả gây ra cho sức khỏe cộng đồng. Không chỉ là mất tiền, người tiêu dùng còn phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật, thậm chí là tính mạng bị đe dọa bởi những sản phẩm kém chất lượng, chứa hóa chất độc hại. Đây là tội ác không thể dung thứ".
Cần những bản án nghiêm khắc
"Với những hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là TPCN, thuốc men thiết nghĩ luật cần phải tăng cao hình phạt lên nhiều nữa", BĐ Viet Dung ý kiến.
Không chỉ đề nghị các cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ toàn bộ vụ việc, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người liên quan và có hình phạt thích đáng để răn đe, BĐ An Khuê còn cho rằng: "Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm, đặc biệt là TPCN, để ngăn chặn các hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng".