Nghĩ về cuộc tiến quân mới

50 năm trước, tháng 4-1975 tôi ở châu Âu nhìn về Tổ quốc, nhìn về cuộc tiến quân vĩ đại với niềm tự hào và cả nước mắt của quân dân Việt Nam để giành lại hòa bình, thống nhất.
Tháng 4-2025 này, tôi đang mơ đến một cuộc tiến quân khác, thấm đẫm mồ hôi trí tuệ của tri thức Việt Nam trên mặt trận của khoa học - công nghệ, công nghiệp hóa.
Hòa bình và độc lập đã giành lại được bằng máu xương phải được bảo vệ bằng tri thức con người và sự thịnh vượng của đất nước.
40 năm đổi mới - Chưa đủ
40 năm trước tôi quyết định trở về Việt Nam, Sài Gòn - TP.HCMthân yêu, nơi tôi đã lớn lên phần lớn tuổi thơ cho đến khi đi du học tại Tây Đức và sống, làm việc 20 năm.
Tôi cảm thấy như mình trở về một thành phố "hoang sơ", im lìm, sinh hoạt xã hội - kinh tế bị giảm xuống mức tối thiểu, xã hội gần như một cơ thể đang "thoi thóp". Đi tìm một quán phở hay quán cơm bình dân để ăn là một điều không dễ. Hiếm có tà áo dài, nụ cười. Toàn bộ xe máy đều rất cũ. Xe đạp là chính.
Mỗi lần từ khu trung tâm về khu tôi ở vào buổi tối, cả cư xá Ngân Hàng chìm trong bóng đen như mực, đưa bàn tay lên không thấy, đèn đường không có, người dân thì ăn tối xong tắt đèn đi ngủ sớm. Nhà nào cũng rào dây kẽm gai, song sắt.
Hẫng hụt và khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi lý giải theo hiểu biết của mình: người dân không được phép tham gia vào "kinh tế thị trường", không được phép buôn bán, sản xuất, kinh doanh, nghĩa là phải sống "khổ hạnh" như thầy tu thì lấy đâu có hàng hóa để phân phối cho xã hội như lý thuyết "bàn tay vô hình" của Adam Smith?
Khi lợi ích của bản thân chết thì lợi ích của xã hội cũng chết theo. GDP, hay của cải của xã hội là do công sức của nhân dân làm ra, không thể do ai ban bố.
Đổi mới năm 1986 đã đem lại khúc quanh để lịch sử bước sang trang mới, đem lại sức sống mà người dân khao khát. Xã hội nhanh chóng thay da đổi thịt. Đất nước không những đủ ăn mà còn xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Bàn tay vô hình trong kinh tế thị trường của Adam Smith bắt đầu hoạt động tốt.
Sau 40 năm đổi mới, xã hội đã thay đổi một cách thần kỳ, từ xuất phát điểm âm tiến lên sự phồn vinh tương đối, bước vào xã hội thu nhập trung bình, tuy còn thấp. Hiện tượng kẹt xe trên đường phố là một mặt trái của sự phát triển. Xe đạp đã được thay thế bằng ô tô và xe gắn máy sang trọng.
Cuộc sống trở nên dễ dàng không thể so sánh với những năm 1980. Người Việt ở nước ngoài lâu ngày trở lại thăm quê hương không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi, tiến bộ vượt bậc mà đổi mới đã đem lại. Được như vậy là nhờ sự đóng góp của biết bao nhiêu bàn tay cần cù chịu khó vượt mọi khó khăn.
Tôi đã được chứng kiến gần trọn 40 năm đổi mới ấy, nhưng đó chưa phải là độ cao mà một dân tộc có tham vọng mong muốn. Con đường từ đây đến một quốc gia công nghiệp hóa để ra khỏi bẫy thu nhập trung bình còn dài.
Có thể dễ mà cũng có thể khó, tùy vào chúng ta. Dễ là khi nào chúng ta có một nền tảng công nghiệp tương đối phát triển đồng đều, tích lũy được kinh nghiệm chế tạo hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu, có nền giáo dục tiên tiến, có đại học và các viện nghiên cứu khoa học công nghệ để có thể phát triển các ý tưởng khởi nghiệp có giá trị cao, một tầng lớp doanh nhân có hoài bão lớn, khát vọng trở nên những "tay chơi" tầm cỡ về công nghệ, có nhà nước khai sáng, đổi mới sáng tạo, kiến tạo phát triển, luôn đồng hành với doanh nhân và nhân dân, có ý chí học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước nhưng đồng thời phải có văn hóa học (learning culture), văn hóa đọc, những cái không thể thiếu cho sự vươn lên cấp bậc cao.
Lao động chân tay hay bán chân tay sẽ phải được thay thế bằng lao động trí óc. Không có đầy đủ những thứ đó thì con đường tiến lên đỉnh cao sẽ khó.
Tuy đã có sự phát triển "thần kỳ", xã hội hôm nay vẫn còn là xã hội "sơ chế", gia công, lắp ráp, nông nghiệp, hải sản và bán một phần tài nguyên. Việt Nam chỉ hơn một quốc gia nông nghiệp một chút.
Một quốc gia chỉ có thể thay đổi căn bản và cất cánh khỏi xã hội nông nghiệp khi nào nó tiến hành thành công cuộc cách mạng công nghiệp, hay công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cái đầu tiên đã diễn ra ở Anh trong những thập niên sau của thế kỷ 18. Đó là quy luật chung của sự phát triển cho các quốc gia khắp châu lục.
Tri thức là định mệnh
Làm sao để một quốc gia bứt khỏi "vòng kim cô nghèo khó" kéo dài hàng nghìn năm do các nền kinh tế nông nghiệp để lại?
Các quốc gia phát triển lâu đời ở châu Âu cũng từng trải qua những giai đoạn trì trệ kéo dài như vậy, không thể khác hơn. Cho đến năm 1800, mức sống giữa các quốc gia lớn của cả hai châu lục Âu, Á là khá giống nhau, mặc dù vào khoảng năm 1600 sau Công nguyên, các xã hội châu Á có thể đã dẫn đầu một chút. Nhưng từ năm 1800 đến năm 1950, một sự phân kỳ lớn đã diễn ra quyết liệt giữa hai nền văn minh.
Các khu vực dẫn đầu ở Bắc Âu đã tăng thu nhập rất đáng kể so với các khu vực bị tụt lại của châu lục, và đến năm 1900 các khu vực giàu có nhất (Anh, Bỉ và Hà Lan) đã giàu hơn khoảng ba hoặc bốn lần so với các khu vực nghèo hơn ở Nam Âu và cũng vượt xa các nước lớn nhất ở châu Á. "Chiếc đũa thần" làm nên điều đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra từ nửa sau thế kỷ 18, phát xuất đầu tiên ở Anh.
Nhà khai sáng Nhật Bản Fukuzawa Yukichi khi đó đã nhận xét: "Nếu người ta nhìn vào thương mại giữa Nhật Bản và các nước ngoài thì sẽ thấy rằng các quốc gia phương Tây là những nhà sản xuất, trong khi Nhật Bản là nước trồng trọt.
Trong kinh tế, của cải của một quốc gia tùy thuộc rất ít vào sự thặng dư của sản phẩm tự nhiên (tài nguyên) so với kỹ năng của kỹ thuật con người. Chẳng hạn như Ấn Độ, đất đai màu mỡ nhưng người dân thì nghèo và mặt khác, Hà Lan, nơi hầu như không có sản phẩm tự nhiên nhưng lại giàu có.
Do đó thương mại giữa một nước sản xuất - sử dụng năng lực con người không giới hạn và một nước trồng trọt - sản phẩm giới hạn của đất đai - thì phía nước trồng trọt, ở đây chính là Nhật Bản, chỉ có thể đứng về phía thua cuộc mà thôi". Ông đã khởi xướng phong trào canh tân ở Nhật vào giữa thế kỷ 19 và chúng ta đã thấy Nhật Bản chuyển mình như thế nào.
Vì vậy tiếng gọi cấp bách cho Việt Nam hôm nay là cần gấp rút tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp, hay công nghiệp hóa, trên quy mô cả nước, phát triển công nghiệp, tăng cường sản xuất và xuất khẩu, xây dựng nền tảng cho công nghệ cao. Cuộc cách mạng công nghiệp luôn đi đôi với cuộc cách mạng học tập.
Điều đó dễ hiểu. Không học thì làm sao cất cánh? Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây kêu gọi toàn dân, toàn Đảng "học tập suốt đời". Cái thiếu nhất hiện nay là học tập khoa học, công nghệ, kinh nghiệm của các quốc gia nghèo đã vươn lên đẳng cấp thế giới. Cần phải học đúng hướng để lấy nguồn cảm hứng và kinh nghiệm để xây dựng đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm nói: "Nghèo khổ thì độc lập không ý nghĩa gì". 150 năm trước, Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản Itoˉ Hirobumi cũng từng nói tương tự: "Chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi".
Chắc chắn người Việt Nam nào trong sâu thẳm trái tim cũng đều mong muốn thấy đất nước vươn lên ngang bằng với các dân tộc khác. Chúng ta không thiếu nhân tài nên mong ước này không có lý do gì mà không thành hiện thực.
Mặt khác, để thay đổi số phận đã hằn sâu hàng nghìn năm bởi nền kinh tế nông nghiệp và tiểu thương, tinh thần và ý chí của con người có yếu tố quyết định.
Yếu tố đạo đức cũng không thể bỏ qua trong mọi cuộc chấn hưng nếu muốn thành công. Không có đạo đức, xã hội sẽ hỗn loạn, con người sẽ hoang dã, người dân không an tâm sống và đem hết nguồn lực đầu tư, không buồn đổi mới sáng tạo và những người có tài sản và tri thức có thể bỏ nước ra đi.
Hòa bình 50 năm rồi. Chúng ta cần làm một cuộc đổi mới thông minh, với tất cả ý chí vươn lên bất khuất của một dân tộc đã chiến đấu oai hùng vượt qua bao hy sinh, thử thách để tồn tại như hôm nay. Chúng ta cần tăng tốc, tạo nên sự thay đổi bứt phá bằng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để có thể tiến vào kỷ nguyên phát triển cao, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, an ninh và văn minh, được thế giới công nhận và kính trọng.