Nhảy đến nội dung

Nghi vấn dùng hóa chất phù phép lòng se điếu: Có thể bị phạt tù

Những ngày gần đây, nghi vấn lòng se điếu được 'phù phép' bằng hóa chất đang gây xôn xao dư luận. Theo luật sư Huỳnh Quốc Nhân, hành vi buôn bán hàng giả, gian dối thương mại hoặc quảng cáo sai sự thật sẽ bị phạt hành chính từ 3 đến 30 triệu đồng, tùy mức độ.

Gần đây, món ăn mang tên "lòng se điếu" bất ngờ trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, được giới thiệu là phần ruột non quý hiếm của heo cái già, chỉ xuất hiện ở những con sống lâu năm được chăn thả tự nhiên. Không ít nơi rao bán loại thực phẩm này với giá dao động từ 1,5 đến 4 triệu đồng/kg, thậm chí lên tới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, đằng sau cơn sốt này có thể là những dấu hiệu bất thường cho thấy nguy cơ bị tráo hàng, lừa đảo người tiêu dùng, thậm chí vi phạm pháp luật.

Cẩn trọng với món ăn đang gây sốt mạng xã hội

Với hình dáng xoắn tự nhiên, giòn béo lạ miệng, "lòng se điếu" được quảng cáo là hiếm có khó tìm, ăn một lần là nhớ mãi. Hàng loạt clip TikTok, YouTube review món ăn này đã đẩy cơn sốt lên cao, khiến nhiều người chấp nhận chi tiền triệu để mua về thưởng thức, bất chấp giá cao và nguồn gốc mập mờ.

Nhiều chủ lò mổ lâu năm cho biết, không phải con heo nào cũng có lòng se điếu, và việc tìm được một đoạn lòng như vậy là rất khó khăn. Trên các trang mạng xã hội, các đầu bếp nổi tiếng, người làm nghề về chế biến lòng heo chia sẻ rằng không có số lượng lớn lòng se điếu để bán ra thị trường mỗi ngày như hiện nay. Thậm chí họ còn chia sẻ công thức phù phép hóa chất để làm ra lòng se điếu.

Luật sư Huỳnh Quốc Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: nếu cá nhân cố tình bán lòng thường nhưng quảng cáo là "lòng se điếu hiếm" nhằm trục lợi, đây là hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Có thể bị truy cứu hình sự

Theo quy định, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền, đồng thời bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau: buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm, buộc cải chính thông tin sai sự thật, tháo gỡ quảng cáo sai lệch, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm…

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn như người tiêu dùng bị ảnh hưởng sức khỏe sau khi ăn phải "lòng se điếu giả", người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015).

Mức án thấp nhất là 2 - 5 năm tù, nhưng có thể tăng lên 10, 15 năm, thậm chí tù chung thân, tuỳ vào tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi như: gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, tổn hại sức khỏe nhiều người, số tiền thu lợi bất chính lớn, hoặc gây thiệt hại tài sản từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng… Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, bị cấm hành nghề hoặc tịch thu tài sản.

Bán "lòng se điếu giả" không còn là mánh khóe buôn bán mà là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính nặng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả. Người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo, không nên "đu trend" bằng mọi giá, đặc biệt với những món ăn không rõ nguồn gốc, công dụng thổi phồng và giá cả bất thường.