Nghỉ ốm 82 ngày, người phụ nữ bị công ty sa thải liền khởi kiện đòi bồi thường 350 triệu đồng, toà án tuyên bố: Chị không có quyền

Người phụ nữ cho biết phải nằm liệt giường và không thể đi làm. Vì thế, khi nhận được thông tin sa thải từ công ty nhưng không được bồi thường, cô bày tỏ sự phản đối rõ ràng.
Trong mọi hoàn cảnh, quyền lợi của người lao động Trung Quốc luôn được pháp luật nước này bảo vệ, bao gồm quyền lợi nghỉ ốm khi sức khỏe không đảm bảo. Tuy nhiên, việc lạm dụng quyền lợi này không chỉ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Vụ việc của nhân viên Dương tại Trung Quốc là một ví dụ điển hình, minh chứng cho việc lạm dụng quyền nghỉ ốm có thể dẫn đến mất việc và thất bại trong tranh chấp lao động.
Cụ thể, vào ngày 17 tháng 3 năm 2024, trong không khí sôi động của buổi hòa nhạc của 1 ca sĩ tại Hàng Châu, nhân viên Dương xuất hiện giữa đám đông khán giả. Điều đáng chú ý là thời điểm đó, cô đang trong thời gian nghỉ ốm dài hạn. Theo hồ sơ, nữ nhân viên đã xin nghỉ tổng cộng 65 ngày từ công ty với lý do bị đau lưng nghiêm trọng, đến mức “phải nằm liệt giường” và không thể đi làm. Tuy nhiên, sau buổi hòa nhạc, Dương tiếp tục xin nghỉ ốm với lý do tương tự. Tổng thời gian nghỉ kéo dài 82 ngày.
Trong thời gian này, công ty nơi Dương làm việc đã phát hiện những dấu hiệu bất thường. Hồ sơ đi lại của nữ nhân viên này cho thấy cô không hề “nằm liệt giường” như khai báo. Thay vào đó, cô thường xuyên di chuyển bằng tàu cao tốc đến nhiều địa điểm khác, tham dự các buổi hòa nhạc, thậm chí dự tiệc cưới của bạn bè, họ hàng. Những hoạt động này hoàn toàn mâu thuẫn với tình trạng sức khỏe mà Dương đã trình bày.
Sau khi phát hiện các hành vi bất thường, công ty đã tiến hành xác minh. “Chúng tôi đã điều tra và xác nhận rằng nữ nhân viên đã đi lại nhiều lần trong thời gian nghỉ ốm. Cô ấy tham gia các hoạt động xã hội như hòa nhạc và tiệc cưới. Công ty đã nhiều lần trao đổi với Dương để làm rõ, nhưng cô ấy vẫn khẳng định mình chỉ nằm trên giường ở nhà”, người đại diện công ty khẳng định.
Hồ sơ y tế của Dương càng làm sáng tỏ vấn đề. Trong khoảng thời gian trên, cô đã nhận được 11 giấy chứng nhận nghỉ ốm từ ba bệnh viện. Tuy nhiên, kết quả chẩn đoán chỉ ghi nhận tình trạng thoát vị đĩa đệm thắt lưng nhẹ. Một bác sĩ được công ty mời khám cho Dương nhận định rằng tình trạng của cô không nghiêm trọng, không thể dẫn đến việc “tê liệt chân tay” hay cần nằm liệt giường trong thời gian dài.
Dựa trên các bằng chứng này, công ty quyết định sa thải Dương. Lý do được công ty đưa ra là nữ nhân viên đã gian lận lý do nghỉ ốm và vắng mặt không chính đáng.
Không đồng ý với quyết định trên, Dương đã nộp đơn kiện công ty, yêu cầu bồi thường 100.000 NDT (khoảng 350 triệu đồng) do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; tiền nghỉ phép chưa sử dụng…
Sau khi tiếp nhận vụ việc, Toà án địa phương đã xem xét mọi yếu tố và đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 2/2025. Tòa án Trung Quốc nhận định rằng hành vi của Dương vi phạm nghiêm trọng nội quy công ty cũng như các nguyên tắc về tính chính trực và chuyên nghiệp mà một người lao động cần tuân thủ. Việc công ty sa thải Dương được xác định là phù hợp với quy định pháp luật. Do đó, đơn kiện đòi bồi thường của Dương đã bị bác bỏ.
Thẩm phán xét xử vụ việc này nhấn mạnh: “Nếu nhân viên thực sự cần nghỉ ốm, người sử dụng lao động Trung Quốc nên tạo điều kiện tối đa để họ hồi phục. Tuy nhiên, người lao động cũng phải tuân thủ nguyên tắc thiện chí, chỉ sử dụng quyền nghỉ ốm khi thực sự cần thiết. Việc lạm dụng quyền này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn làm mất đi sự bảo vệ từ pháp luật”.
Theo Toutiao