Nghị lực của nữ sinh mắc bệnh K và ước mơ trở thành cô giáo

Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ chỉ vài chục mét vuông ở xã Tây Hòa, Đắk Lắk (trước đây là H.Tây Hòa, Phú Yên) không có nổi một chiếc bàn học tử tế. Lê Hồ Bích Thi ngồi nơi góc bếp, dùng mặt bàn đá để học bài, ôn thi.
Cũng từ góc nhỏ này, Nhi đã trở thành "thủ khoa" của chính mình khi vừa vượt qua bạo bệnh vừa đạt được 32 điểm cho 4 môn thi tốt nghiệp THPT 2025.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, cô học trò Lê Hồ Bích Thi đã vượt qua bệnh tật và đạt tổng điểm 32 cho 4 môn, trong đó toán: 8,25; ngữ văn: 8,5; hóa học: 8,75 và tiếng Anh 6,5. Câu chuyện của Thi đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ.
Học trong cả bệnh tật và niềm tin
Cuộc đời của Thi dường như gắn với hai chữ "thiếu thốn" từ thuở còn rất nhỏ. Cha mẹ ly hôn, Thi sống với ba là ông Lê Khắc Toàn (48 tuổi), một người thợ lắp cửa nhôm, cửa sắt, thu nhập bấp bênh, cùng bà nội già yếu.
Năm 2021, ngay sau khi thi vào lớp 10, Thi nhận được kết quả chẩn đoán mắc bệnh ung thư, khi ấy bệnh đã bước sang giai đoạn 2. "Lúc đó em thấy cả bầu trời như đổ sụp xuống. Em không hiểu vì sao điều ấy lại xảy ra với mình. Em còn quá nhiều mơ ước chưa kịp bắt đầu", Thi chia sẻ.
Một năm sau đó là chuỗi ngày miệt mài với phác đồ điều trị ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Cứ mỗi tháng, hai cha con Thi lại khăn gói vào TP.HCM. Mỗi lần hóa trị là chuỗi ngày dài Thi phải đối mặt với những cơn đau triền miên tưởng như không thể đứng dậy nổi. Không than vãn, không gục ngã, Thi tạm gác lại sách vở để chiến đấu với bệnh tật.
Năm 2022, sau một năm điều trị ổn định, Thi quay lại trường học. Mái tóc chưa kịp mọc dài, cơ thể chưa thực sự phục hồi, nhưng em vẫn đều đặn đến lớp, vẫn chăm chỉ học từng tiết, làm từng bài tập, tranh thủ từng phút nghỉ giữa giờ để bù lại thời gian nằm viện.
"Có những môn em không học đủ do phải đi điều trị, nhưng thầy cô và các bạn luôn đồng hành, hỗ trợ. Có bạn ghi bài giúp, có bạn giảng lại, thầy cô gửi bài, gửi đề, luôn động viên em cố gắng. Em biết ơn tất cả mọi người vì chưa từng bỏ rơi em giữa hành trình gian nan này", Thi xúc động nói.
Thầy cô Trường THPT Lê Hồng Phong, nơi Thi theo học, nhiều lần không cầm được nước mắt khi nhìn cô học trò bé nhỏ. Mỗi lần lên lớp là một lần chống chọi với cơn mệt, nhưng Thi chưa từng đi muộn, chưa từng thiếu bài. Bài thi tốt nghiệp của Thi chính là kết quả của cả một hành trình học trong nước mắt, học trong cả bệnh tật và niềm tin.
Luôn âm thầm sát cánh cùng con trong suốt hành trình chiến đấu với bệnh tật, ông Lê Khắc Toàn chưa một lần có ý nghĩ từ bỏ. Những chuyến xe khách đường dài ra vào TP.HCM, những đêm thức trắng bên giường bệnh, ông luôn đồng hành cùng con.
"Tôi chỉ biết con đi tới đâu thì tôi theo tới đó. Có khi nhìn con rụng hết tóc, xanh xao mà đêm về trằn trọc không ngủ được, nhưng không dám khóc trước mặt con. Mình phải mạnh mẽ để con có thêm sức mà sống tiếp", ông Toàn nghẹn giọng.
Ba năm cùng con trong hành trình chữa bệnh khiến gia đình gần như kiệt quệ. Nhưng khi Thi nói đến ước mơ được vào đại học, được trở thành cô giáo để dạy dỗ và bảo vệ những đứa trẻ kém may mắn, ông lại mỉm cười.
"Giờ bệnh tình của cháu cũng tạm ổn, sức khỏe còn yếu nhưng có thể học được. Còn chuyện học đại học, tôi sẽ cố gắng xoay xở, miễn sao con được thực hiện ước mơ", ông Toàn nói.
Một kỳ tích không cần huy chương
32 điểm không phải là con số cao nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, nhưng với cô học trò từng vật lộn giữa ranh giới sống - chết, đó là con số của nghị lực, của hy sinh và niềm tin không từ bỏ.
"Em ước mơ trở thành cô giáo không chỉ để truyền dạy kiến thức, mà còn để dang tay chở che những học trò như em, khát khao được học và được sống. Nguyện vọng 1 của em là ngành sư phạm tiểu học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM", Thi nói.
Bà Trần Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, chia sẻ: "Chúng tôi không chỉ tự hào vì thành tích học tập của Thi, mà còn vì nghị lực sống phi thường của em. Thi là tấm gương truyền cảm hứng cho cả học sinh và thầy cô của nhà trường. Mong rằng trong hành trình tiếp theo, Thi sẽ luôn vững bước đầy nghị lực như cách em đã làm".