Nghệ thuật Nói thơ Vân Tiên vang lên tại xứ sở hoa anh đào

Mới đây, tại thành phố Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima (Nhật Bản), nghệ thuật Nói thơ Vân Tiên – một hình thức diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc Nam bộ – đã được giới thiệu đến Hiệp hội giao lưu Quốc tế thành phố Aizuwakamatsu.
Anh Phan Thanh Trẻ, Phó bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long (hợp nhất của 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh), Phó trưởng đoàn công tác, đã giới thiệu khái quát về tác phẩm Lục Vân Tiên của Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu và trình diễn Nói thơ Vân Tiên, qua đó góp phần đưa di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Đây là chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam trong khuôn khổ của Chương trình Hợp tác kiến tạo tri thức dành cho lãnh đạo trẻ (KCCP) năm 2025 do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.
Nghệ thuật Nói thơ Vân Tiên được phổ biến ở Nam bộ, nhất là Ba Tri (tỉnh Bến Tre, nay là tỉnh Vĩnh Long) trong xã hội đương thời vì nội dung gần gũi, giàu giá trị đạo lý và lòng yêu nước của tác phẩm Lục Vân Tiên, dễ dàng được người dân tiếp nhận và lan tỏa. Hình thức nghệ thuật này phù hợp với văn hóa dân gian, với nhịp điệu dễ nhớ, dễ thuộc, tạo sự sinh động và lôi cuốn trong các buổi sinh hoạt cộng đồng như lễ hội đình làng hay hội chợ.
Ngoài ra, nói thơ không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn là công cụ giáo dục đạo đức và truyền bá các giá trị truyền thống. Tính truyền miệng của nó giúp dễ dàng lưu giữ và phổ biến. Hơn nữa, nội dung nói thơ phản ánh tinh thần tự lực, kiên cường và khát vọng phụng sự đất nước của người dân Nam bộ, khiến nó gắn bó sâu sắc với đời sống văn hóa và tâm hồn cộng đồng.
Ghi nhận giá trị đặc sắc này, ngày 27.6.2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã công nhận Nói thơ Vân Tiên tỉnh Bến Tre (nay là tỉnh Vĩnh Long) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giới thiệu và trình diễn Nói thơ Vân Tiên tại Nhật Bản không chỉ là hoạt động văn hóa mang tính biểu tượng, mà còn là minh chứng cho sự lan tỏa của văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Phần trình diễn mộc mạc, không nhạc cụ, nhưng dày cảm xúc đã mang lại ấn tượng sâu sắc cho người nghe. Qua từng câu thơ lục bát, người xem không chỉ thấy được hình tượng nhân vật Vân Tiên chính trực, nghĩa hiệp mà còn cảm nhận được chiều sâu đạo lý phương Đông.
Tại Nhật Bản, giáo sư Shimizu Masaaki, Trưởng bộ môn tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka, đã dịch tác phẩm Lục Vân Tiên sang tiếng Nhật để dạy tiếng Việt cho sinh viên. Đây là bước tiến quan trọng trong việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nghiên cứu và học tập về văn hóa Đông Nam Á tại Nhật Bản ngày càng mở rộng. Việc đưa Lục Vân Tiên vào môi trường đại học giúp người học tiếp cận được giá trị văn học, đạo đức và thế giới quan truyền thống của Việt Nam một cách có hệ thống và khoa học.
Việc giới thiệu và trình diễn loại hình nghệ thuật này tại Nhật Bản mang một ý nghĩa sâu sắc, lan tỏa trong công tác quảng bá di sản, đồng thời khẳng định rằng: văn hóa dân tộc, dù mộc mạc, vẫn luôn có khả năng chạm đến trái tim của cộng đồng quốc tế nếu được truyền tải đúng cách và đúng lúc.
Không cần sân khấu lớn hay phương tiện hiện đại, chỉ bằng giọng thơ và tâm hồn Việt, Nói thơ Vân Tiên vẫn đủ sức kể lại một tác phẩm kinh điển, nuôi dưỡng đạo lý truyền thống và truyền cảm hứng cho những người yêu văn hóa Việt Nam trên khắp thế giới.