Ngành kinh tế đất đai lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam

Năm 2025, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) chính thức tuyển sinh và đào tạo ngành kinh tế đất đai - ngành lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam.
Ngành kinh tế đất đai là chương trình đào tạo liên ngành do khoa địa chất Trường đại học Khoa học tự nhiên và Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) phối hợp xây dựng.
Học gì khi chọn ngành kinh tế đất đai?
Việc đào tạo ngành kinh tế đất đai đánh dấu bước tiếp theo trong mô hình đào tạo liên ngành, liên trường, nhằm phát huy tối đa nguồn lực của các đơn vị thuộc hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM.
Ngành kinh tế đất đai bắt đầu tuyển sinh từ năm 2025 với 50 chỉ tiêu. Xét tuyển theo các tổ hợp: A00, A01, A06, A07, B00, B02, C01, C02, C04, D01, D07, D10, X02, X26.
Theo TS Hồ Thu Hiền - khoa địa chất Trường đại học Khoa học tự nhiên, chương trình đào tạo ngành kinh tế đất đai kết hợp các khối kiến thức kinh tế, quản lý, pháp luật và khoa học Trái đất.
Các môn học được thiết kế cung cấp kiến thức chuyên môn cần thiết trong hướng ngành quản lý đất đai, bất động sản, kinh tế và một số môn học được thiết kế riêng cho ngành học này.
Các môn học đại cương có các môn thuộc khối khoa học tự nhiên và kinh tế xã hội, gồm: nhập môn luật học, sáng tạo và khởi nghiệp, tài chính cá nhân...
Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị các khối kiến thức: cơ sở ngành (khoa học Trái đất, bản đồ, trắc địa và bản đồ địa chính, khoa học dữ liệu, thống kê trong kinh doanh, ứng dụng viễn thám và GIS trong quản lý đất đai, kinh tế học, kế toán doanh nghiệp, toán kinh tế, luật đất đai, pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản, lập và thẩm định dự án đầu tư…).
Khối kiến thức chuyên ngành (kinh tế tài chính đất đai, định giá đất và bất động sản, đầu tư bất động sản, địa lý văn hóa, quản lý đất đai thích ứng với biến đổi khí hậu, chính sách đất đai và phát triển kinh tế...).
Ngoài kiến thức nền tảng rộng và chuyên sâu, sinh viên kinh tế đất đai cũng được trang bị kỹ năng làm việc, thích ứng tốt với nhu cầu thị trường lao động: sử dụng thiết bị đo đạc, ứng dụng công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu và dự báo; làm việc độc lập và làm việc nhóm; lập, tổ chức thực hiện kế hoạch và quản lý dự án, quản trị rủi ro…
Học ngành kinh tế đất đai ra làm gì?
Theo ThS Hoàng Thanh Tú - phó trưởng phòng thông tin và truyền thông, Trường đại học Khoa học tự nhiên, nhu cầu của quá trình chuyển đổi số, nhân lực trong ngành kinh tế đất đai tại Việt Nam hiện đang tăng cao và dự báo tiếp tục gia tăng trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách pháp lý mới và sự phát triển của thị trường bất động sản.
"Với những thay đổi của chính sách pháp luật và sự phát triển của thị trường bất động sản, ngành kinh tế đất đai hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cho những ai quan tâm và có định hướng phát triển trong lĩnh vực này", bà Tú chia sẻ.
Bên cạnh đó, ngành này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các mô hình kinh tế bền vững như kinh tế tuần hoàn trong sử dụng đất. Các vấn đề phức tạp như đô thị hóa nhanh chóng, phân bổ quyền sử dụng đất và giải quyết tranh chấp đất đai yêu cầu sự kết hợp giữa kiến thức kinh tế và khoa học tự nhiên.
Kinh tế đất đai cung cấp nền tảng để phân tích các chính sách sử dụng đất, từ đó đề xuất giải pháp mang tính chiến lược, giúp giảm lãng phí tài nguyên và tối ưu hóa giá trị đất đai. Đặc biệt, ngành này phù hợp để hỗ trợ phát triển chính sách trong bối cảnh quốc gia chuyển đổi sang kinh tế xanh và bền vững.
Cử nhân kinh tế đất đai được đào tạo để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, định giá, kinh doanh và quản lý đất đai, một trong những lĩnh vực then chốt của phát triển bền vững quốc gia.
"Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, công ty tư vấn quy hoạch, hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực đất đai, bất động sản. Ngành học này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh kinh tế số, phát triển xanh và nhu cầu về quản lý hiệu quả tài nguyên đất ngày càng tăng cao" bà Hiền cho biết thêm.