Nga tuyên bố cứng rắn sau khi bị phương Tây áp 30.000 lệnh trừng phạt

(Dân trí) - Quan chức cấp cao Nga bình luận sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo áp thuế thứ cấp lên tới 500% nhằm gia tăng áp lực lên Moscow.
Moscow sẽ thích nghi nếu Mỹ áp mức thuế thứ cấp lên tới 500% đối với các đối tác của Nga, và những biện pháp hạn chế như vậy sẽ không thể buộc nước này từ bỏ con đường của mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/7 nói với báo giới rằng ông đang “xem xét rất nghiêm túc” việc ủng hộ một dự luật áp mức thuế này, đồng thời thể hiện sự không hài lòng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin liên quan tới tiến trình đàm phán khép lại chiến sự ở Ukraine.
Dự luật do Thượng nghị sĩ có quan điểm cứng rắn Lindsey Graham đề xuất hồi đầu năm, nhằm gây sức ép buộc Moscow nhượng bộ trong vấn đề Ukraine.
Theo đó, dự luật mà ông Graham đưa ra đề xuất mức thuế 500% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia có giao dịch mua dầu, khí đốt, uranium và các sản phẩm khác của Nga, nhằm làm suy giảm năng lực tiến hành cuộc chiến của Nga khi Moscow có được nguồn thu lớn từ ngành năng lượng.
Khi được các phóng viên hỏi hôm 10/7 về phản ứng của Moscow nếu mức thuế thứ cấp 500% được thông qua, ông Ryabkov trả lời: “Việc một biện pháp mới nào đó xuất hiện dưới hình thức mà các bạn mô tả là điều cần được phân tích và đánh giá thêm, nhưng nó sẽ không làm thay đổi căn bản bức tranh tổng thể".
Ông cho biết thêm, các quốc gia nước ngoài đã áp đặt hơn 30.000 lệnh trừng phạt lên Nga cho đến nay.
“Chúng tôi biết cách vận hành trong những điều kiện như vậy và sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường độc lập, có chủ quyền và kiên định của mình", ông tuyên bố.
Kể từ thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga để gây áp lực lên Moscow. Các biện pháp này nhắm vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm năng lượng, tài chính, quốc phòng và công nghệ.
Các ngân hàng lớn của Nga đã bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, tài sản của các nhà tài phiệt Nga bị đóng băng, và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ quan trọng.
Các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào các cá nhân thân cận với Tổng thống Vladimir Putin, nhằm tác động lên Điện Kremlin bằng cách cô lập giới chính trị và kinh tế Nga. Phối hợp với các đồng minh ở châu Âu và châu Á, Mỹ đã mở rộng các lệnh trừng phạt này kể từ năm 2022 nhằm làm suy giảm khả năng tài trợ cho cuộc chiến của Nga, đồng thời hỗ trợ Ukraine bằng viện trợ quân sự và tài chính.
Tuy nhiên, theo Tổng thống Putin, các lệnh trừng phạt đang gây thiệt hại cho các nước phương Tây hơn là cho Nga. “Càng trừng phạt nhiều, các nước áp đặt trừng phạt lại càng chịu thiệt hại nhiều hơn,” ông nói tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh Kinh tế Á-Âu ở Belarus tháng trước.
Ông Putin cũng lập luận rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã “thay đổi chất lượng nền kinh tế Nga", tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước thích nghi và tiếp quản các thị phần mà doanh nghiệp nước ngoài để lại. Ông cho rằng Nga ngày càng trở nên kiên cường hơn trước làn sóng trừng phạt chưa từng có này.