Nga tập trận hạt nhân với tên lửa ‘Con trai quỷ Satan’: Cảnh báo NATO?

Các cuộc tập trận có tên lửa Yars được mệnh danh “Con trai quỷ Satan” này nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu lâu dài của nhân sự, hệ thống tên lửa, thiết bị hỗ trợ...
![]() |
Hệ thống tên lửa di động trên mặt đất Yars. Ảnh: Sputnik. |
Theo hãng tin Interfax ngày 11/7, Liên bang Nga đã triển khai các bệ phóng tự hành thuộc hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cơ động RS-24 Yars vào các tuyến tuần tra chiến đấu như một phần của cuộc diễn tập kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu định kỳ tại căn cứ tên lửa Yoshkar-Ola, thuộc Cộng hòa Mari El.
Trang thông tin United24media ngày 11/7 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết thêm việc triển khai này nằm trong khuôn khổ một hoạt động huấn luyện quy mô lớn nhằm kiểm tra khả năng tác chiến trong điều kiện dã chiến và chiến đấu của Lực lượng Tên lửa Chiến lược.
“Các bệ phóng tự hành của hệ thống tên lửa cơ động Yars đã được triển khai tới các tuyến tuần tra chiến đấu trong đội hình tên lửa ở Yoshkar-Ola (Cộng hòa Mari El) như một phần của cuộc diễn tập theo kế hoạch”, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tuyên bố và cho biết thêm rằng: “Các đơn vị tên lửa chiến lược đang thực hiện các hoạt động cơ động và hoàn thành các nhiệm vụ tác chiến trên các tuyến tuần tra”.
Trước đó, trong một chương trình trên kênh truyền hình quốc gia Russia-1, người dẫn chương trình Vladimir Solovyov đã cảnh báo rằng Liên bang Nga có thể hủy diệt cả hai bờ biển của Mỹ bằng các ngư lôi hạt nhân Poseidon – vũ khí dưới nước được thiết kế để tạo ra một “sóng thần phóng xạ”.
Trong chương trình, ông Solovyov trực tiếp gửi thông điệp tới Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Liệu ông Trump có hiểu rằng chỉ cần hai quả Poseidon, phóng từ hai hướng khác nhau, cũng đủ quét sạch nước Mỹ và gây ra một thảm họa phóng xạ? Khi đó mọi thứ sẽ kết thúc – sẽ không có gì cứu nổi họ”.
Trong cuộc diễn tập, các kíp chiến đấu điều khiển tên lửa Yars đã thực hiện các cuộc hành quân chiến thuật dài 100km, thiết lập các vị trí dã chiến kiên cố, triển khai các biện pháp ngụy trang và đảm bảo an ninh, đồng thời thực hành các hoạt động chống phá hoại. Các đơn vị hỗ trợ cũng tiến hành diễn tập giả lập nhằm thu hồi thiết bị chuyên dụng từ các khu vực bị “nhiễm độc hóa học” giả định.
Các cuộc tập trận này được thiết kế để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu lâu dài của nhân sự, hệ thống tên lửa và thiết bị hỗ trợ, đồng thời củng cố khả năng sống sót cũng như khả năng cơ động của lực lượng răn đe hạt nhân trên bộ của Liên bang Nga.
Hệ thống Yars – phiên bản nâng cấp của dòng Topol-M thời Liên Xô – có khả năng mang nhiều đầu đạn phân hướng (MIRV) và được thiết kế để xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại. Các bệ phóng cơ động (SPU 15U175M) và sở chỉ huy cơ động được thiết kế để tái triển khai nhanh chóng và che giấu hiệu quả, tăng khả năng sống sót trong trường hợp xung đột nổ ra.
Được Viện Kỹ thuật Nhiệt Moskva phát triển, hệ thống Yars bắt đầu được biên chế từ cuối những năm 2000 và từ đó trở thành xương sống trong lực lượng ICBM cơ động của Liên bang Nga.
Theo phân tích trên chuyên trang thông tin quân sự Army Recognition, việc tái triển khai các đơn vị tên lửa Yars thể hiện sự đầu tư liên tục của Moskva (Moscow) vào các hệ thống hạt nhân cơ động trên đường bộ – loại vũ khí được thiết kế để gây khó khăn cho việc xác định mục tiêu của đối phương và đảm bảo khả năng phản công hạt nhân thứ hai đáng tin cậy.
Các cuộc tập trận này cũng phản ánh xu hướng ngày càng chú trọng vào các hệ thống ICBM cơ động của các cường quốc hạt nhân khác, đặc biệt là chương trình Đông Phong-41 (DF-41) của Trung Quốc.
Trước đó, trong bài phát biểu trước các học viên tốt nghiệp một học viện quân sự hôm 23/6, hãng thông tấn nhà nước Liên bang Nga TASS cho biết Tổng thống nước này, ông Vladimir Putin thông báo rằng Moskva đang sản xuất hàng loạt một loại tên lửa uy lực lớn khác là Oreshnik.
Báo The Kyiv Independent của Ukraine ngày 29/5 cho biết tên lửa Oreshnik là một loại tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm mà Liên bang Nga quảng bá là vũ khí thử nghiệm có khả năng vượt qua các hệ thống phòng không tiên tiến.
Tới nay, tên lửa Oreshnik, mới được sử dụng một lần duy nhất vào ngày 21/11/2024 trong cuộc tấn công vào cơ sở quốc phòng Pivdenmash ở Dnipro, Ukraine.
Sau vụ phóng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tuyên bố:“Hiện tại không có cách nào để đánh chặn loại vũ khí này. Tên lửa tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10 (12.300 km/h)… Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống. Nếu ai đó còn nghi ngờ, họ không nên”.
Theo hãng thông tấn nhà nước Liên bang Nga TASS, vào hôm 21/2, ông Putin cho biết thêm rằng đầu đạn gắn trên tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik có thể chịu được nhiệt độ ngang bằng với bề mặt Mặt Trời.
Phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn Công nghệ Tương lai, nhà lãnh đạo Liên bang Nga nói: “Cả thế giới đang nói về Oreshnik. Và những vật liệu nào đã được sử dụng? Nhiệt độ trên các đầu đạn này tương đương với nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trời”.
Ông Putin cũng so sánh khả năng chịu nhiệt của Oreshnik với hệ thống tên lửa siêu vượt âm Avangard, vốn được phát triển từ những năm 1980.
“Chúng tôi hiểu điều này. Chúng tôi đã phát triển hệ thống phương tiện lượn siêu vượt âm Avangard từ những năm 1980. Nhiệt độ mà nó phải chịu gần bằng nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trời, chỉ thấp hơn một chút”, Tổng thống Liên bang Nga nói.
Ông Putin nhấn mạnh rằng các nhà khoa học Liên bang Nga đã từng ấp ủ ý tưởng phát triển các hệ thống như vậy từ cuối những năm 1980, nhưng công nghệ vật liệu khi đó chưa đủ tiên tiến để biến chúng thành hiện thực.
“Lúc đó, chúng tôi không thể thực hiện được vì không có vật liệu phù hợp. Đó là vấn đề lớn nhất. Tên lửa bay lên nhưng lại tan chảy như kem. Dù vậy, tín hiệu điều khiển vẫn được truyền qua”, ông Putin giải thích và nhấn mạnh rằng những đổi mới công nghệ gần đây là thành quả của quá trình nghiên cứu và phát triển vật liệu mới.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.