Nhảy đến nội dung
 

Nam doanh nhân nhận thông báo nợ xấu 170 triệu đồng từ ngân hàng, tòa án phán quyết: “Anh không cần trả, còn được bồi thường 500 triệu”

Doanh nhân người Trung Quốc không thể vay vốn kinh doanh do hồ sơ tín dụng xấu dù trước đó ông là khách hàng VIP của ngân hàng.

Năm 2011, doanh nhân họ Vương ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) phát hiện mình không thể vay 6 triệu NDT từ một ngân hàng tại địa phương do bị liệt vào danh sách tín dụng xấu. Ông Vương khi đó đang tham gia vào các hoạt động kinh doanh như vận tải hàng hóa, trạm xăng, khai thác than và bất động sản, đồng thời là đại diện hợp pháp của 3 công ty. 

Các doanh nghiệp này cần một lượng vốn rất lớn, dòng tiền giao dịch hàng năm của ông lên đến 30 triệu NDT (107 tỷ đồng). Ông Vương trở thành khách hàng VIP của ngân hàng này, thường được mời tham gia các hội nghị lớn. Vậy nên khi nhận thông báo có khoản vay thế chấp 50.000 NDT (hơn 170 triệu đồng) chưa trả từ năm 2006, bị liệt vào danh sách nợ xấu, nam doanh nhân vô cùng bất ngờ. Sau khi kiểm tra lại toàn hệ thống, ngân hàng xác định khoản vay này của một người trùng họ và tên với ông Vương, đã bị một nhân viên nhập nhầm. Sai sót này dẫn đến hồ sơ tín dụng xấu của doanh nhân Vương tại Trung tâm Thông tin Tín dụng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Ông Vương đã nhiều lần tìm đến nhân viên và lãnh đạo ngân hàng để phản ánh sự việc nhưng vẫn không được giải quyết. Do vấn đề tín dụng, ông Vương không thể vay vốn từ nhiều ngân hàng mà chuyển sang vay tiền tư nhân với lãi suất cao hơn. Nam doanh nhân cho biết ban đầu ông nghĩ lỗi thao tác của nhân viên ngân hàng chỉ là sự cố nhỏ, hồ sơ tín dụng của ông sẽ sớm được cập nhật. Thế nhưng sau nhiều năm, ngân hàng vẫn trì hoãn giải quyết do nhiều lần thay đổi lãnh đạo. 

Năm 2015, ông Vương kiện ngân hàng này ra toà với nhiều bằng chứng cho thấy sai sót của ngân hàng dẫn đến tổn thất cho các doanh nghiệp của ông. Doanh nhân này yêu cầu bồi thường thiệt hại kinh tế 5,4 triệu NDT và 150.000 NDT bù đắp tổn thất về tinh thần, danh dự. 

Trong phiên tòa, đại diện ngân hàng thừa nhận vụ việc là do lỗi của nhân viên, nhưng ngân hàng đã xoá hồ sơ tín dụng xấu của ông Vương từ một năm trước. Phía ngân hàng cho rằng những tổn thất về tinh thần mà khách hàng yêu cầu bồi thường là không có cơ sở pháp lý, đồng thời khẳng định không có mối liên hệ giữa sai sót này và tổn thất kinh tế của ông Vương.

Toà án nhân dân huyện Diên Xuyên (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) nhận định vi phạm của ngân hàng kéo dài 3 năm mới giải quyết cho khách hàng. Vậy nên trong phiên toà sơ thẩm, toà án đưa ra phán quyết ngân hàng phải bồi thường hơn 11 triệu NDT (39 tỷ đồng) thiệt hại kinh tế do chênh lệch lãi suất khoản vay, 10.000 NDT chi phí kiện tụng và 50.000 NDT thiệt hại tinh thần. Trong 3 năm bị đánh giá hồ sơ tín dụng xấu, ông Vương đã mất nhiều cơ hội vay vốn và kinh doanh, cùng áp lực tinh thần và chi phí thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi.

Không đồng ý với phán quyết này, phía ngân hàng tiếp tục kháng cáo. Tháng 8/2024, Tòa án Nhân dân Trung cấp Diên An (Trung Quốc) phán quyết ngân hàng có lỗi rõ ràng do không sửa sai trong 3 năm, vi phạm quy định thông báo và xử lý khiếu nại tín dụng trong 20 ngày. Tuy nhiên, tòa hủy một phần bản án trước đó, giảm bồi thường xuống 150.000 NDT (536 triệu đồng) cho thiệt hại kinh tế, loại bỏ bồi thường thiệt hại tinh thần.

Dù thắng kiện, ông Vương không hài lòng với mức bồi thường này. “Năm nay tôi đã 62 tuổi, mất nhiều cơ hội kinh doanh, tiêu tốn nhiều năng lượng và tiền bạc vì sai sót của ngân hàng. Họ đã thay đổi 3 lãnh đạo trong khoảng thời gian sự việc xảy ra, nhưng không ai xử lý. Việc này ảnh hưởng đến cuộc sống và danh tiếng cá nhân tôi”, ông Vương cho biết. Cuối năm 2024, doanh nhân này và luật sư tiếp tục báo cáo vụ việc lên Ủy ban Quản lý Ngân hàng tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với nhân viên và lãnh đạo ngân hàng liên quan.

Theo 163