Mỹ yêu cầu phóng viên phải có người hộ tống khi tác nghiệp tại Bộ Quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth vừa ban hành quy định mới, yêu cầu các phóng viên phải có người hộ tống khi tác nghiệp tại các tòa nhà thuộc Bộ Quốc phòng, nhằm tăng cường bảo mật thông tin.
Theo Hãng tin Reuters, các yêu cầu mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm các nhà báo, phóng viên đã có thẻ ra vào ở hầu hết các tòa nhà của Bộ Quốc phòng Mỹ tại thành phố Arlington (thuộc bang Texas) và tại bang Virginia.
Phóng viên chỉ có thể ra vào tác nghiệp tại các trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ khi được phê duyệt chính thức và có người hộ tống.
Theo quy định này, các tờ báo, nhà đài lâu đời như tờ New York Times, Washington Post, đài CNN, Đài NBC News phải rút khỏi văn phòng của họ tại Lầu Năm Góc.
Quy định mới cũng yêu cầu các thành viên của đoàn báo chí Lầu Năm Góc phải chịu trách nhiệm bảo vệ thông tin tình báo quốc gia và thông tin nhạy cảm. Họ sẽ được cấp “giấy thông hành” mới để được hoạt động tại đây.
Các yêu cầu này có hiệu lực ngay lập tức, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ban hành.
“Trong khi bộ (Bộ Quốc phòng) vẫn cam kết về tính minh bạch nhưng bộ cũng có nghĩa vụ bảo vệ CSNI (classified intelligence - thông tin tình báo được phân loại) và thông tin nhạy cảm. Việc tiết lộ trái phép những thông tin này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của các thành viên lực lượng vũ trang Mỹ”, ông Hegseth nhấn mạnh, đồng thời gọi việc bảo vệ thông tin là “mệnh lệnh không thể lay chuyển của bộ”.
Trái lại, Hiệp hội Báo chí Lầu Năm Góc, một tổ chức đại diện cho quyền lợi của đoàn báo chí đưa tin về quân đội Mỹ, cho rằng các quy định mới dường như đang “tấn công trực tiếp vào quyền tự do báo chí”.
“Quyết định này được cho là dựa trên những lo ngại về an ninh hoạt động. Tuy nhiên, Hiệp hội Báo chí Lầu Năm Góc đã được tiếp cận những không gian không được bảo mật và không được phân loại tại Lầu Năm Góc trong nhiều thập kỷ qua, dưới thời các chính quyền Cộng hòa và Dân chủ, kể cả sau vụ tấn công ngày 11-9-2001 mà không có bất kỳ lo ngại nào về OP-SEC (operations security - hoạt động bảo mật) từ ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng”, hiệp hội này cho biết trong một tuyên bố.
Lầu Năm Góc chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về tuyên bố này.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại nhiệm sở mới vào tháng 1, Bộ Quốc phòng đã tiến hành điều tra về các vụ rò rỉ thông tin khiến ba quan chức bị cách chức.
Chính quyền Trump cũng triển khai máy phát hiện nói dối để phục vụ điều tra, và một số nhân viên Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) có thể đối mặt nguy cơ sa thải vì từ chối tham gia kiểm tra.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 23-5, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Trump “sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành vi rò rỉ thông tin nào cho truyền thông”.