Mỹ kêu gọi Pháp dẫn dắt nền quốc phòng châu Âu

"Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth hối thúc Pháp tăng chi tiêu quốc phòng và chịu trách nhiệm chính về phòng thủ thông thường của châu Âu, bên cạnh các đồng minh khác thuộc NATO", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sean Parnell cho biết sau cuộc gặp tại Washington giữa ông Hegseth và người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu ngày 17/4.
Thuật ngữ "phòng thủ thông thường" chỉ các chiến thuật phòng thủ không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt như hạt nhân, sinh hóa. Mỹ đang là bên đảm bảo an ninh hạt nhân cho châu Âu, đồng thời triển khai nhiều lực lượng ở châu lục để củng cố năng lực phòng thủ thông thường.
Chưa rõ ông Lecornu phản hồi thế nào về lời kêu gọi dẫn dắt quốc phòng châu Âu từ ông Hegseth. Pháp và các thành viên NATO chủ chốt chưa bình luận về thông tin từ Lầu Năm Góc.
"Bộ trưởng Hegseth và Bộ trưởng Lecornu cũng thảo luận về các ưu tiên liên quan, trong đó có những nỗ lực đang diễn ra để đạt hòa bình bền vững ở Ukraine", ông Parnell nói thêm, nhưng không nêu chi tiết.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và châu Âu căng thẳng do chính sách thuế quan và đối ngoại của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump từ lâu cáo buộc các đồng minh châu Âu coi sự bảo vệ an ninh của Mỹ là hiển nhiên, cáo buộc các thành viên NATO chi tiêu quốc phòng không thỏa đáng.
Tổng thống Mỹ đang yêu cầu các thành viên khối tăng mạnh chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, mức khó đạt được đối với nhiều quốc gia.
Phó tổng thống JD Vance ngày 15/4 kêu gọi các nước châu Âu độc lập hơn về an ninh, cho biết toàn bộ cơ sở an ninh của châu lục đều "do Mỹ trợ cấp trong nhiều năm qua".
"Chỉ mới cách đây 25 năm, có thể nói nhiều nước châu Âu có quân đội mạnh, ít nhất có thể bảo vệ quê hương. Nhưng hầu hết các quốc gia hiện nay không sở hữu quân đội có thể đảm bảo khả năng phòng thủ. Những trường hợp ngoại lệ như Anh, Pháp, Ba Lan chỉ càng chứng minh các lãnh đạo châu Âu chưa đầu tư đúng mức vào an ninh. Cần thay đổi điều này", ông Vance nói.
Hồi đầu tháng, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng nói với các đối tác NATO rằng họ phải thống nhất "lộ trình thực tế" để đạt mức 5% GDP trong chi tiêu quốc phòng, đồng nghĩa Washington cũng phải tăng chi.
Đức Trung (Theo AFP, Reuters)