Nhảy đến nội dung
 

Muốn tiết kiệm 5 triệu nên "cố đấm ăn xôi" thành ra tốn 15 triệu, tôi thực đã quá ngớ ngẩn!

Cứ tưởng là tiết kiệm nhưng hóa ra lại là ném tiền qua cửa sổ chỉ vì thiếu kiến thức…

Với những người đang đi thuê nhà ở thành phố lớn, chắc hẳn ai cũng biết ngoài tiền thuê nhà hàng tháng, chúng ta còn phải mất 1 khoản tiền đặt cọc - thường là bằng giá thuê 1 tháng. Nếu chuyển đi trước khi hợp đồng thuê nhà hết hạn, thì coi như mất luôn tiền cọc.

Tôi đã tự mắc bẫy của chính mình, cũng chỉ vì tiếc khoản tiền đặt cọc ấy…

Bài học đắt giá với mức học phí 15 triệu đồng

Mỗi tháng, tiền thuê nhà của tôi là 5 triệu, cộng thêm 5 triệu tiền đặt cọc. Vì tôi rất ưng căn phòng đó, nên chi phí ấy vốn không phải là điều tôi lăn tăn, cho đến khi thu nhập của tôi bị giảm đáng kể.

Ngay lập tức, bài toán chi phí sinh hoạt trở nên nan giải. Tôi bắt đầu tìm kiếm những phòng trọ giá "mềm" hơn. Nhưng nghĩ đến khoản tiền cọc 5 triệu đã bỏ ra, tôi lại chần chừ.

"Nếu chuyển đi bây giờ là coi như mất 5 triệu" - suy nghĩ đó cứ day dứt trong đầu tôi mãi. Hợp đồng thuê nhà của tôi còn 3 tháng nữa mới kết thúc. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi tặc lưỡi "thôi cố thêm 3 tháng nữa rồi chuyển, như vậy vừa không mất 5 triệu, vừa có thời gian tìm nhà mới" .

Quyết định tưởng chừng như khôn ngoan ấy đã kéo tôi vào một vòng xoáy tồi tệ hơn. Ba tháng trôi qua nặng nề với những khoản chi tiêu eo hẹp. Mỗi tháng 5 triệu tiền thuê nhà trở thành một gánh nặng thực sự khi thu nhập đã giảm. Tôi sống trong lo lắng, chắt bóp từng đồng. Đến khi hết hợp đồng và chuyển đi, tôi nhận ra mình đã phải trả thêm 15 triệu tiền thuê nhà trong suốt 3 tháng đó. Mà lúc ấy chẳng hiểu sao tôi lại không nhận ra sớm hơn, rằng vì tiếc 5 triệu nên tôi thậm chí tốn tới 15 triệu…

15 triệu là khoản tiềnkhông hề nhỏ trong tình cảnh khó khăn của tôi lúc bấy giờ. Sự tiếc nuối gặm nhấm tâm can. Nếu ngày đó tôi dứt khoát chuyển đi, chấp nhận mất 5 triệu, có lẽ tôi đã không phải chịu thêm gánh nặng 15 triệu kia.

Hiệu ứng ngụy biện chi phí chìm: Cái bẫy tôi tự đưa chân bước vào!

Trong tâm lý học, có một hiệu ứng lý giải quyết định có phần "dại dột" của tôi: Hiệu ứng Concorde hay còn được gọi là hiệu ứng ngụy biện chi phí chìm.

Hiệu ứng Concorde xuất phát từ dự án máy bay siêu thanh Concorde đầy tham vọng nhưng không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng. Mặc dù đã rõ ràng về những tổn thất kinh tế, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào dự án này chỉ vì họ đã bỏ ra một khoản tiền khổng lồ trước đó. Họ mắc kẹt trong suy nghĩ rằng nếu dừng lại, toàn bộ số tiền đã bỏ ra sẽ trở nên vô nghĩa.

Quyết định sẽ ở tiếp căn phòng có giá thuê 5 triệu/tháng vì tiếc 5 triệu tiền đặt cọc của tôi, cũng tương tự như vậy. 5 triệu tiền cọc đã trả là một chi phí chìm. Tâm lý tiếc nuối khoản tiền này đã chi phối quyết định của tôi, khiến tôi tiếp tục "đầu tư" thêm 15 triệu tiền thuê nhà, một khoản chi phí hoàn toàn có thể tránh được nếu tôi đưa ra quyết định dựa trên tình hình tài chính hiện tại và tương lai.

Bộ não con người có xu hướng né tránh cảm giác hối tiếc và thất bại. Khi chúng ta đã đầu tư thời gian, tiền bạc hoặc công sức vào một việc gì đó, chúng ta có xu hướng muốn "gỡ gạc" hoặc "hoàn vốn" bằng cách tiếp tục theo đuổi nó, ngay cả khi việc đó không còn hợp lý. Chúng ta cảm thấy khó khăn khi chấp nhận rằng những nỗ lực trước đây đã trở nên vô ích.

Nhưng nếu cứ tiếp tục "cố đấm ăn xôi" khi mọi thứ không còn khả thi, khả năng cao là cuối cùng chúng ta vẫn buộc phải dừng lại. Chỉ có điều khi ấy, những gì chúng ta đánh mất lại là một khoản tiền lớn ngoài sức tưởng tượng, mà lẽ ra nếu chịu "dừng lại" sớm hơn, thì đó chính là khoản tiền chúng ta tiết kiệm được.

Thực ra, phần lớn chúng ta có xu hướng muốn tiếp tục những gì mình đã bắt đầu, ngay cả khi hoàn cảnh đã thay đổi. Chúng ta có thể tin rằng việc tiếp tục sẽ giúp chúng ta kiểm soát được tình hình và cuối cùng đạt được kết quả mong muốn. Nhưng cuộc sống mà, không phải cứ cố là sẽ thành công…

Câu chuyện của tôi là một lời cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của Hiệu ứng Concorde trong cuộc sống hàng ngày. Đôi khi, việc chấp nhận một khoản lỗ nhỏ là cần thiết để tránh những tổn thất lớn hơn trong tương lai. Khi đưa ra quyết định, chúng ta nên tập trung vào chi phí và lợi ích tiềm năng ở hiện tại và tương lai, thay vì bị ám ảnh bởi những gì đã qua và không thể thay đổi. Sự tiếc nuối quá khứ có thể khiến chúng ta đưa ra những quyết định sai lầm ở hiện tại, và cái giá phải trả thường đắt hơn rất nhiều so với những gì chúng ta cố gắng níu giữ.