Mức đóng BHXH bắt buộc năm 2025, có thay đổi theo luật BHXH 2024?

Đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, các khoản bảo hiểm bắt buộc và tỷ lệ đóng hiện hành được quy định tại luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 (có hiệu lực đến ngày 30.6.2025).
Tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm hiện nay
Theo quy định hiện hành (luật BHXH 2014), người lao động đóng 8% mức lương làm căn cứ đóng BHXH, người sử dụng lao động (doanh nghiệp) đóng 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Ngoài ra doanh nghiệp đóng 3% vào quỹ ốm đau và thai sản (người lao động không phải đóng phần này).
Về bảo hiểm y tế (BHYT), người lao động đóng 1,5%, doanh nghiệp đóng 3% mức lương.
Về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đóng 1%, doanh nghiệp đóng 1% mức lương.
Về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp đóng 0,5% mức lương, người lao động không đóng.
Như vậy, tổng mức đóng các bảo hiểm bắt buộc hiện hành là 32%, trong đó 21,5% mức lương do doanh nghiệp đóng và 10,5% do người lao động đóng.
Tiền lương tháng ghi trên hợp đồng lao động (bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) chính là căn cứ để tính đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc.
Quy định hiện hành yêu cầu mức tiền lương này tuân thủ giới hạn tối thiểu và tối đa như sau:
Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ 1.7.2025) nhìn chung không thay đổi tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động và doanh nghiệp so với trước.
Cụ thể, người lao động vẫn đóng 8% và doanh nghiệp đóng 17% mức lương (14% quỹ hưu trí - tử tuất + 3% quỹ ốm đau - thai sản) vào quỹ BHXH bắt buộc. Các khoản đóng BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cũng giữ nguyên tỷ lệ như quy định hiện hành.
Điểm thay đổi đáng chú ý của luật BHXH 2024 là việc điều chỉnh căn cứ tính đóng một số chế độ BHXH khi thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu” do Chính phủ quy định.
Mức tham chiếu này sẽ được dùng để tính mức đóng và mức hưởng cho các chế độ BHXH có liên quan.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở, luật BHXH 2024 quy định mức tham chiếu bằng đúng mức lương cơ sở hiện hành. Do đó, tại thời điểm 1.7.2025, việc tính giới hạn tiền lương đóng BHXH, BHYT vẫn dựa trên 20 lần mức lương cơ sở.
Về lâu dài, khi mức lương cơ sở được bãi bỏ, Chính phủ sẽ quy định mức tham chiếu mới. Mức tham chiếu sẽ không thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm bãi bỏ, và được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế… phù hợp ngân sách và quỹ BHXH.
Ngoài ra, luật BHXH 2024 còn mở rộng đối tượng và quyền lợi BHXH bắt buộc. Ví dụ, người hoạt động không chuyên trách cấp xã (cán bộ bán chuyên trách xã, phường) từ 1.7.2025 sẽ được hưởng thêm chế độ ốm đau, thai sản như lao động khác.
Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý những đối tượng này sẽ phải đóng thêm 3% vào quỹ ốm đau, thai sản cho họ (trước đây nhóm này chỉ hưởng chế độ hưu trí, tử tuất nên không đóng phần 3%).
Tuy nhiên, đối với lao động trong doanh nghiệp thông thường, các chế độ và mức đóng cơ bản không thay đổi so với trước 1.7.2025.