Mùa mưa, lo chuyện ngập

Mùa mưa bắt đầu, TP.HCM lại lo chuyện ngập nước ở các vùng trũng thấp. Các trận mưa cực đoan xảy ra giữa lúc một số dự án chống ngập vẫn còn đang triển khai dang dở khiến đời sống người dân bị đảo lộn, tài sản hư hỏng.
Dự báo mùa mưa năm nay sẽ kéo dài hơn và lượng mưa cũng cao hơn trung bình nhiều năm. Công tác dự báo cùng với tiến độ các dự án chống ngập ra sao?
Mùa mưa năm nay mưa nhiều hơn
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết mùa mưa miền Nam năm nay sẽ mưa nhiều hơn. Dự báo tháng 5 tổng lượng mưa tháng cao hơn trung bình nhiều năm 10 - 20%, số ngày mưa khoảng 15 - 20 ngày.
Tháng 6 tổng lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm, số ngày mưa 15 - 20 ngày.
Tháng 7 tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm 10 - 15%, số ngày mưa khá nhiều có thể lên đến 18 - 23 ngày. Từ tháng 8 đến tháng 10, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm 10 - 12%. Cao điểm mùa mưa rơi vào tháng 7, 9, 10.
Hiện tại vẫn đang trong giai đoạn chuyển mùa, các tỉnh thành lần lượt vào mùa mưa nên những trận mưa giai đoạn này sẽ còn phức tạp.
Mưa đầu mùa thông thường sẽ diễn ra nhanh, cường độ mạnh, lượng mưa lớn. Hiện tượng này cũng sẽ bắt gặp vào thời điểm giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô.
Từ nay đến 10-6, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định tổng lượng mưa tại Nam Bộ có khả năng cao hơn 5 - 25% so với trung bình nhiều năm. Như vậy sẽ còn xảy ra những đợt mưa lớn.
Hàng loạt dự án chống ngập, nhưng đều dang dở
Theo kế hoạch thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải của TP.HCM giai đoạn 2024 - 2025, TP.HCM còn 13 điểm ngập do mưa.
Hiện nay TP.HCM đang chuẩn bị khởi công 3 dự án tại quận Gò Vấp gồm: cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ; cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu); cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ đường Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt).
Đồng thời chuẩn bị đầu tư cho 7 dự án gồm: cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng và cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức; nạo vét trục thoát nước rạch bà Lớn; nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu; cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng; cải tạo hệ thống thoát nước quốc lộ 1 và xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh.
Còn giải quyết ngập do triều cường sẽ giải quyết ngập cho khu vực quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh bằng việc hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1 - dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng).
Giải quyết ngập cho tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Đức) qua việc hoàn thành dự án bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm). Bên cạnh các dự án nhỏ thì TP.HCM cũng có nhiều dự án chống ngập kết hợp chỉnh trang đô thị đang làm và sắp triển khai.
Có 2 dự án sẽ hoàn thành năm 2025 gồm dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) và dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi. Hai dự án này đều do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư.
Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang thi công đồng loạt 10/10 gói thầu, phấn đấu thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào năm 2025.
Với dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi, chủ đầu tư đang phối hợp với UBND huyện Bình Chánh đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để hoàn thành xây lắp trong năm 2025.
Ngoài ra, sáng 10-5, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cũng đã khởi công dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm kéo dài từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp.
Đây là một trong những công trình trọng điểm của TP.HCM, được kỳ vọng giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập nước và cải thiện diện mạo đô thị dọc tuyến rạch Xuyên Tâm, được người dân mong chờ 20 năm qua.
Còn dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi ở quận 8 có tổng mức đầu tư 7.300 tỉ đồng dự kiến sẽ khởi công vào đầu tháng 9 năm nay.
Nhưng tất cả các dự án đó đều đang ở trong tình trạng "chuẩn bị" và "sẽ", trong khi mùa mưa đã về với các điểm ngập nặng như trận mưa sáng 10-5.
Sáp nhập địa phương có ảnh hưởng các dự án?
Hiện tại có những dự án chống ngập thuộc các địa phương thực hiện, như vậy trong bối cảnh sáp nhập sắp tới, liệu các dự án này có bị ảnh hưởng chậm tiến độ hay không?
Đơn cử như dự án "điểm nóng" ngập nước như chợ Thủ Đức, một trận mưa lớn sáng 10-5 với lượng mưa đo được hơn 200mm đã khiến nhiều tuyến đường tại đây ngập sâu, giao thông tê liệt, người dân khốn đốn dắt bộ xe chết máy giữa dòng nước đen ngòm.
TP Thủ Đức có khoảng 700 tuyến cống, mương thoát nước dài gần 492km. Tuy nhiên phần lớn hệ thống này được đầu tư từ nhiều năm trước, nhiều đoạn đã xuống cấp, hư hỏng hoặc không còn phù hợp với nhu cầu thoát nước của một nơi đang phát triển về đô thị khá nhanh.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, TP Thủ Đức hiện đã và đang làm các dự án trọng điểm để khắc phục tình trạng ngập úng kéo dài, đặc biệt tại các khu vực trũng như chợ Thủ Đức, đường Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam...
Trong đó có thể kể đến các dự án cải tạo hệ thống thoát nước tại các tuyến đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỉ đồng.
Dự án xây mới cống rạch Cầu Ngang trên đường Kha Vạn Cân cũng đang được khẩn trương hoàn thiện với số vốn đầu tư hơn 27 tỉ đồng. Một đề án quy mô lớn và được xem là căn cơ bậc nhất là cải tạo rạch Thủ Đức với tổng kinh phí lên đến hơn 4.400 tỉ đồng. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức đang kiến nghị UBND TP.HCM xem xét cơ chế đầu tư các hồ điều tiết nhỏ tại những khu vực ngập cục bộ để giảm áp lực lên hệ thống thoát nước chính.
Theo đại diện UBND TP Thủ Đức, việc sáp nhập đơn vị hành chính khi thực hiện sẽ không làm gián đoạn các dự án đã được phê duyệt.
Tất cả các công trình đều nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, được phân bổ vốn và quản lý theo tiến độ cụ thể. Khi có thay đổi hành chính, trách nhiệm chỉ được chuyển giao về mặt quản lý chứ không làm chậm tiến độ.
Tương tự, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức cho biết: "Tinh thần chung của mọi người là luôn làm đúng nhiệm vụ, phạm vi quản lý cho đến khi có chủ trương rõ về chức năng công việc sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính.
Hiện đơn vị đang tiếp tục làm một số dự án cải tạo thoát nước do UBND TP Thủ Đức giao trước đó, đơn cử mới đây là khởi công nâng cấp đường 38 phường Hiệp Bình Chánh".